Lo lắng mất an toàn khi học online, phụ huynh “cuống” tìm người trông con
Lo lắng mất an toàn khi học online, phụ huynh “cuống” tìm người trông con
Sau vụ học sinh lớp 5 ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) tử vong vì điện thoại phát nổ khi học online, không ít phụ huynh bất an, lo lắng về vấn đề an toàn của con khi học trực tuyến.
Sáng 15/10, thông tin từ UBND xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) xác nhận, trong quá trình học trực tuyến, một học sinh trên địa bàn đã tử vong do chiếc điện thoại phát nổ.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16h ngày 14/10, em N.V.Q. (SN 2011, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nam Anh) dùng điện thoại cắm sạc dự phòng để học trực tuyến. Quá trình học, chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ khiến em Q. bị bỏng nặng.
Phát hiện sự việc, gia đình nhanh chóng đưa em đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu bé đã không qua khỏi.
Trước sự việc trên, không ít bố mẹ vừa đi làm vừa nơm nớp lo lắng con tự học online một mình ở nhà.
Liên tiếp các vụ học sinh tử vong khi học online khiến nhiều phụ huynh bất an, lo lắng
Phụ huynh vội vã tìm người trông con mùa dịch
Chị Nguyễn Thị Mai Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học lớp 4 cho biết, trước kia anh chị được làm việc tại nhà cũng đã hướng dẫn con sử dụng những thiết bị điện, điện tử làm sao cho an toàn. Tuy nhiên, Hà Nội nới lỏng giãn cách hai vợ chồng chị đều phải đi làm nên để con ở nhà một mình nên chị không mấy yên tâm.
“Gia đình rất lo lắng khi con học online không có bố mẹ giám sát bởi tôi sợ con học thì ít mà chơi điện thoại, xem phim thì nhiều. Với lại, các cháu cũng độ tuổi nghịch ngợm, táy máy nên cũng lo lắng con ở nhà một mình có an toàn hay không.
Hôm qua lại nghe tin có cháu bé tử vong khi học online, gia đình tôi lo lắng, bất an lắm, vì cháu bé cũng tầm tuổi với con tôi. Hai vợ chồng đang tìm người trông con giúp, nếu không chúng tôi phải thay phiên nhau nghỉ việc để ở nhà trông con”, chị Mai Anh tâm sự.
Có con lớp 5 đang phải học online, anh Lê Xuân Tài (Ba Đình, Hà Nội) không giấu nổi nỗi lo lắng khi bố mẹ phải đi làm, con không có ai trông.
“Bố mẹ không được nghỉ làm nhưng để con ở nhà một mình lại không yên tâm. Dù ở nhà đã có camera để dõi các hoạt động của con, hướng dẫn con từ xa khi cần nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại. Tôi cảm thấy rất bất an khi các con học online một mình, chưa nói đến tính hiệu quả nhưng cứ tình trạng để con ở nhà thế này thì nguy hiểm quá”, anh Tài nói.
Anh Tài cũng chia sẻ thêm, trước liên tiếp mấy vụ học sinh tử vong khi học online, anh và vợ đang tính thuê gia sư hoặc nhờ ông bà ở quê lên trông con.
“Sáng nay, tôi đã phải gọi điện cho ông bà ở quê trông con giúp nhưng vì bận việc gia đình nên ông bà chưa lên được luôn. Vì vậy, tôi đang liên hệ để tìm gia sư cho con, chậm ngày nào tôi lo ngày đấy”, anh Tài cho biết.
Không nên để trẻ ở nhà một mình quá lâu
Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội), hơn ai hết chính phụ huynh phải nhận ra nguy cơ thiếu an toàn trong thời gian trẻ học trực tuyến và có các giải pháp bảo vệ con mình.
‘Học sinh tiểu học là lứa tuổi rất đặc thù nên luôn cần có người để mắt đến trẻ. Bởi lẽ, ở lứa tuổi này, nhiều trẻ không kiểm soát được hành vi.
Khi các con học trực tuyến bố mẹ phải có các giải pháp để hỗ trợ những vấn đề trẻ đang gặp phải trong lúc học. Cụ thể như trang bị cho con kỹ năng như an toàn không gian mạng, cách xử lý khi bị kích ra khỏi lớp học online, máy tính hay điện thoại hết pin cần xử lý thế nào….
Bố mẹ phải đảm bảo tạo ra không gian học tập an toàn, thoải mái bằng cách hướng dẫn và đảm bảo cho con các nguyên tắc an toàn về thể chất’, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
PGS.TS Trần Thành Nam
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, thông qua các hoạt động ở nhà bố mẹ cũng nên củng cố kiến thức đã học ở trường và thực hành liên quan kỹ năng an toàn về phòng cháy chữa cháy, phòng tránh tai nạn thương tích, tích hợp hoạt động trải nghiệm.
Đặc biệt, không nên để trẻ ở nhà một mình quá lâu. Đối với bậc tiểu học, thiếu sự đồng hành của phụ huynh thì trẻ học khó có hiệu quả.
Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh, đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từ giáo viên chủ nhiệm, hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ.
Về phía Bộ GD&ĐT, đơn vị này cho biết đã có khuyến cáo các bậc phụ huynh và thầy cô giáo về tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho các em một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình, đảm bảo an toàn.