Lo giá vật liệu tăng cao “thổi” chi phí đầu tư sân bay Long Thành

ACV đang đánh giá tác động biến động giá của các vật liệu xây dựng chính đến tình hình thực hiện dự án, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng việc tăng giá nguyên vật liệu đến tổng mức đầu tư.

Giá tăng làm “xê dịch” chi phí đầu tư

Ông Đỗ Tất Bình – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ hoàn thành thi công 8.668 km tường rào trong tháng 9 tới và hoàn tất công tác rà phá bom mìn trong tháng 12 năm nay.

Theo Phó Tổng Giám đốc ACV, việc khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất, mỏ, bãi thải, thí nghiệm các mẫu vật liệu đất, đá, cát… phục vụ công tác thiết kế san nền, khoan khảo sát phục vụ lập thiết kế nhà ga hành khách đã hoàn thành đạt khoảng 73% khối lượng.

Liên quan đến giá nguyên vật liệu đầu vào trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, Phó Tổng Giám đốc ACV thông tin giá thép tăng mạnh trong thời gian gần đây, một số loại nguyên vật liệu cơ bản khác phục vụ thi công các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm như cát, đá xây dựng cũng có xu hướng leo thang.

“Tổng mức đầu tư, dự toán chi tiết của dự án được xây dựng dựa trên những khuôn khổ định mức và báo giá nhất định, khó lòng điều chỉnh kịp thời theo diễn biến của thị trường” – ông Bình cho biết.

lo gia vat lieu tang cao thoi chi phi dau tu san bay long thanh
Giá nguyên vật liệu tăng cao tác động tới chi phí xây dựng dự án sân bay Long Thành (Ảnh: Khoa Nam).

ACV đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sớm nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường giá nguyên vật liệu; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Cùng đó, ACV đã và đang chủ động đánh giá tác động biến động giá của các vật liệu xây dựng chính đến tình hình thực hiện dự án; xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên vật liệu đến tổng mức đầu tư; rà soát, cân đối dự toán, cũng như kế hoạch, thời điểm giải ngân một cách phù hợp; từ đó giảm thiểu tối đa tác động của việc tăng giá nguyên vật liệu tới chi phí đầu tư xây dựng dự án.

Đối với công tác thiết kế kỹ thuật và dự toán nhà ga hành khách, liên danh tư vấn đã bắt đầu thực hiện công tác thiết kế. Hiện đơn vị đang khẩn trương thực hiện trước phần ngầm để trình thẩm định phê duyệt để khởi công tháng 2/2022.

ACV đang làm việc cùng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) – Bộ Giao thông vận tải – nhằm thống nhất quy trình thẩm định thiết kế và dự toán để rút ngắn được tiến độ đồng thời đảm bảo chất lượng của quá trình thẩm định và phê duyệt thiết kế.

Ông Bình cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đến nay đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của ACV nói riêng và ngành hàng không nói chung. Công tác triển khai các dự án đầu tư của ACV cũng gặp khó khăn do thiếu nhân sự làm việc trực tiếp.

Trước 31/3/2025 sẽ hoàn thành xây dựng

Cục QLXD&CLCTGT, Bộ Giao thông vận tải – cho hay, đáp ứng yêu cầu Quốc hội và Chính phủ hoàn thành và đưa vào khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một trong năm 2025, Bộ GTVT đã chỉ đạo ACV lập kế hoạch triển khai với các mốc tiến độ chính của dự án, phấn đấu hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trước 31/3/2025 để đưa công trình vào vận hành khai thác thử, đảm bảo đưa vào khai thác chính thức quý IV/2025.

lo gia vat lieu tang cao thoi chi phi dau tu san bay long thanh
Phối cảnh nhà ga Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án có đặc thù các hạng mục công trình có khối lượng lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới. Do đó, quá trình lập hồ sơ thiết kế, thẩm định, phê duyệt sẽ gặp nhiều khó khăn, còn phụ thuộc nhiều vào tư vấn nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Cục QLXD&CLCTGT đề nghị ACV khẩn trương làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để thống nhất phương án huy động vốn, đồng thời khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt FS đối với 2 tuyến đường kết nối để UBND tỉnh Đồng Nai có cơ sở thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với việc bố trí, huy động vốn cho dự án, ACV đã và đang làm việc với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để xây dựng và triển khai phương án huy động vốn khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.

Nhu cầu vốn của dự án này cần huy động không vượt quá 2,5 tỷ USD, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như vay thương mại trong và ngoài nước bằng đồng ngoại tệ (USD), phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay tín dụng xuất khẩu. Trong đó, phương án vay bằng USD, trả bằng USD từ các ngân hàng trong nước có vốn cổ phần Nhà nước chi phối là phương án ưu tiên đã được ACV báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

“Lãi suất cho vay bằng USD luôn thấp hơn, ACV có nguồn thu USD trực tiếp và gián tiếp từ hoạt động kinh doanh, khai thác các cảng HKQT như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc… để trả lãi vay ngoại tệ” – lãnh đạo ACV khẳng định ưu điểm nổi bật của phương án vay bằng USD trả bằng USD.

Lãnh đạo ACV thông tin, qua làm việc, các ngân hàng trong nước có vốn cổ phần Nhà nước chi phối hiện đang dư nguồn USD cần tìm đối tác cho vay tin cậy và đem tới lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài; đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nâng cao hiệu quả của dự án và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước ACV.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích