Lộ diện “trùm BOT” lỗ đậm 6 quý liên tiếp, cổ phiếu vẫn tăng gấp 4 lần kể từ đầu năm
Bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp BOT được hé lộ với nhiều gam màu tối khi thua lỗ liên tục do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tasco thua lỗ triền miên, cổ phiếu tăng vọt
Điển hình là Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT) của Chủ tịch Phạm Quang Dũng khi ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong 6 quý liên tiếp, lỗ lũy kế lên tới 53 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu quý 3/2021 đạt 162 tỷ đồng, giảm 16%, chủ yếu do nguồn thu từ hoạt động thu phí BOT giảm hơn 20 tỷ đồng xuống còn 130 tỷ đồng. Doanh thu bất động sản và doanh thu bán hàng cũng sụt giảm mạnh, nguồn thu từ hợp đồng xây dựng không ghi nhận dòng tiền trong kỳ này.
Nhờ tiết giảm được giá vốn từ hoạt động thu phí khiến lợi nhuận gộp của Công ty tăng mạnh gấp 17 lần, đạt 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tasco thì lợi nhuận cốt lõi đang âm 11,8 tỷ đồng.
Mặt khác, doanh thu tài chính giảm mạnh 57%, trong khi các chi phí lại tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế âm 72 tỷ đồng, cùng kỳ cũng ghi nhận âm 80 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu của Tasco tăng 17% đạt gần 626 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm hơn 146 tỷ đồng.
Năm 2021, “ông trùm” BOT đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 18% lên 900 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn thu chủ yếu đến từ dự án BOT Đông Hưng (Thái Bình) đi vào hoạt động từ tháng 7/2021, dự án VETC tăng trưởng và dự án Xuân Phương Residence (Hà Nội). Tuy nhiên, doanh nghiệp ước lỗ sau thuế lên đến 100 tỷ đồng do dự án thu phí không dừng VETC tiếp tục thua lỗ.
Theo giải trình của đơn vị này, dịch COVID-19 tác động trực tiếp lên hầu hết các mảng kinh doanh là nguyên nhân dẫn khiến Công ty kinh doanh ảm đạm.
Song nhìn vào bức tranh tài chính chung của Tasco có thể thấy các mảng kinh doanh của doanh nghiệp đã “lao dốc” mạnh từ trước đó, chủ yếu do kinh doanh bất động sản không hiệu quả và gặp nhiều vướng mắc bởi các dự án BOT. Vì vậy, sự xuất hiện của COVID-19 chỉ như một “cú đấm bồi” khiến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp càng thảm hại.
Bất chấp tình hình kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HUT đang có đà tăng trưởng khá ấn tượng. Từ cổ phiếu “trà đá” giao dịch quanh mức 3.000 đồng/cổ phiếu vào hồi đầu năm, mã này đã tăng gấp 4 lần lên mức 12.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 4/11).
Hụt thu do COVID-19, lãi ròng CII “trượt dốc không phanh”
Chung cảnh ngộ với Tasco, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (mã CII) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng sủa trong quý 3 với doanh thu đạt 258 tỷ đồng, giảm 1.563 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tạm dừng thu phí đối với các dự án giao thông và tạm dừng thi công các dự án hạ tầng cơ sở, bất động sản do dịch COVID-19.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 23% lên mức 374 tỷ đồng, chủ yếu từ chuyển nhượng quyền tham dự dự án đầu tư và lãi tiền gửi. Mặt khác, các chi phí môi giới, hoa hồng và chi phí quản lý nhân viên được Công ty tiết giảm tối đa. Do không còn được hoàn nhập thuế như quý III/2020 nên Công ty báo lãi sau thuế 10,6 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu giảm 25% xuống 2.223 tỷ đồng, lãi ròng giảm 73% về 125 tỷ đồng. Với kết quả này, CII chỉ mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch doanh thu và 6% kế hoạch về lợi nhuận cả năm.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của CII tiếp tục âm 1.083 tỷ đồng khiến doanh nghiệp liên tục phải huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu liên tục. Theo đó, tổng nợ đi vay của CII vẫn ở mức cao, hơn 17.660 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản dư nợ trái phiếu là 13.039 tỷ đồng.
Trong báo cáo hồi cuối tháng 9 giải đáp băn khoăn của nhà đầu tư về nguồn thu để trả nợ, CII cho biết dự kiến trong quý IV/2021 và năm 2022, các dự án của Công ty sẽ được đưa vào khai thác và thu phí. Theo đó, CII sẽ có thể thu về 8.226 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ, kết thúc giai đoạn dòng tiền âm của Công ty trong thời gian tới.
Cụ thể, nguồn thu từ các dự án bất động sản đã hoàn thành của CII dự kiến khoảng 1.126 tỷ đồng; nguồn thu từ thu phí giao thông (sau khi trả nợ vay theo dự án) khoảng 700 tỷ đồng; nguồn thu từ hợp tác đầu tư phát triển dự án khoảng 2.000 tỷ đồng; nguồn thu từ việc chuyển nhượng dòng tiền là khoảng 4.400 tỷ đồng.
Trong đó, CII nhấn mạnh nguồn thu từ việc chuyện nhượng dòng tiền, đặc biệt là mô hình Fintech mà doanh nghiệp đang triển khai được kỳ vọng sẽ mang lại dòng tiền lớn cho doanh nghiệp.
Doanh thu BOT giảm sâu, IDICO lần đầu báo lỗ
Tương tự, CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng IDICO (mã HTI) cũng ghi nhận quý lỗ đầu tiên do phải tạm dừng thu phí bởi dịch COVID-19. Cụ thể, doanh thu giảm mạnh 80% xuống mức 18,8 tỷ đồng.
Tuy chủ động tiết giảm hàng loạt chi phí, nhưng doanh thu giảm sâu khiến doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 15 tỷ đồng.
Theo IDICO, việc tạm dừng trạm thu phí An Sương – An Lạc tại TP. HCM từ ngày 20/7 đến ngày 2/10 để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 đã khiến doanh thu phí sử dụng đường bộ giảm hơn 80 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 85% so với cùng kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 3/2021.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HTI đạt 225 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 65% về mức xấp xỉ 16 tỷ đồng.
Năm 2021, Công ty dự kiến kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 403 tỷ đồng, mục tiêu lãi sau thuế là 56 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp này chỉ mới thực hiện được 56% chỉ tiêu doanh thu và 28% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trên thị trường, cổ phiếu HTI cũng duy trì đà tăng khá tích cực dù kết quả kinh doanh không mấy tích cực. Chốt phiên 4/11, cổ phiếu HTI là 19.600 đồng/cổ phiếu, tăng 30% so với thị giá hồi đầu năm.
Giao thông Đèo Cả “sống khỏe”
Trái ngược với bức tranh kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp hạ tầng trên, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vẫn “sống khỏe” trong đại dịch, thậm chí thu lãi lớn.
Cụ thể, doanh thu quý 3/2021 tăng 53%, đạt 452 tỷ đồng, chủ yếu đến từ nguồn thu từ hoạt động xây lắp và vận hành các trạm thu phí ở miền Bắc và miền Trung nên không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh.
Mặt khác, doanh thu tài chính tăng mạnh đến từ khoản cổ tức, lợi nhuận được chia, cùng việc chi phí được tiết giảm đáng kể giúp Công ty báo lãi sau thuế hơn 83 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ.
Theo HHV, tiến độ thi công tại các công trường dự án được duy trì ổn định, không bị gián đoạn, công tác thi công xây lắp triển khai đúng tiến độ cam kết là điều kiện thuận lợi giúp Công ty kinh doanh thuận lợi bất chấp dịch COVID-19.
Mới đây, HHV quyết định tăng vốn điều lệ năm 2022 lên 5.347 tỷ đồng, gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, Công ty cũng nâng kế hoạch kinh doanh cả năm 2021 lên 2.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế lên 283 tỷ đồng, lần lượt tăng 65% và 76% so với kế hoạch ban đầu.
Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu HHV đang giao dịch mức 20.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 4/11). Tuy cổ phiếu này chưa có sự bứt phá về thị giá, nhưng cũng được nhiều nhà đầu tư chú ý bởi thanh khoản tăng cao đột biến trong thời gian gần đây. Theo đó, khối lượng giao dịch của HHV trung bình trong 10 phiên của HHV lên đến 8,7 triệu đơn vị, trong khi trong nửa đầu năm nay mã cổ phiếu này hầu như không có giao dịch.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục đường bộ Việt Nam, doanh thu các trạm thu phí sử dụng đường bộ các dự án BOT quý 3/2021 chỉ đạt 1.732 tỷ đồng, giảm 1.421 tỷ đồng so với quý 3 năm trước.
Theo đó, doanh thu các tháng giảm dần theo diễn biến phức tạp của đại dịch khi các trạm thu phí BOT phải tạm dừng thu phí. Theo đó, doanh thu tháng 7 là 727 tỷ đồng, tháng 8 là 431 tỷ đồng và tháng 9 là 573 triệu đồng.
Doanh thu trạm thu phí giảm mạnh được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp hạ tầng giao thông lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu