Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”: Người dân lập tức được hỗ trợ sau khi phản ánh

Nhận hỗ trợ trong 7 ngày

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) tổ chức chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) với tên gọi “Dân hỏi – Thành phố trả lời”.

Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 7/2021, thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các quận, huyện rà soát kỹ để bổ sung các hộ lao động nghèo, người lao động khó khăn do giãn cách xã hội để kịp thời hỗ trợ các gói an sinh xã hội.

Đối với trợ cấp tiền mặt, thành phố luôn cố gắng để tiền có thể đến tay người lao động nghèo sớm nhất. Với người lao động tự do, trong vòng 7 ngày phải chi trả cho người dân.

“Cụ thể, trong vòng 3 ngày, Ủy ban nhân dân (UBND) phường, xã phải rà soát, thống kê, lập danh sách người khó khăn, thông qua hội đồng xét duyệt và báo cáo UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Trong vòng 2 ngày, quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ giao Phòng LĐ-TB&XH rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách, sau đó chuyển lại cho phường, xã. Tiếp theo, trong vòng 2 ngày làm việc, phường, xã sẽ quyết định hỗ trợ và chi trả. Điển hình như trong lần chi trả đợt 1 có Quận 5 chỉ làm trong vòng 3 ngày”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, hộ nghèo, cận nghèo, lao động nghèo sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, các nơi phong tỏa gặp khó khăn kéo dài đều thuộc diện hỗ trợ, không phân biệt thường trú hay tạm trú.

Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”: Người dân lập tức được hỗ trợ sau khi phản ánh
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh tham gia giải đáp thắc mắc trong Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”. (Ảnh chụp màn hình)

Điều kiện nhận hỗ trợ gồm người lao động mất việc làm không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng, cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố (trường hợp tạm trú phải đăng ký có cơ quan xác nhận). Đồng thời, người được hỗ trợ thuộc 6 nhóm công việc gồm bán hàng rong; buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố (buôn gánh bán bưng); thu gom rác phế liệu; bốc vác, chuyển hàng bằng xe 3 gác, xe thô sơ; bán vé số; làm trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả bảo vệ,…

“Những lao động tự do dù không thuộc 6 nhóm đối tượng như quy định nhưng nếu khó khăn cũng có thể liên hệ tổ trưởng khu phố hoặc UBND phường xã để đề nghị hỗ trợ”, ông Sơn khẳng định.

Lãnh đạo chịu trách nhiệm nếu dân thiếu đói

Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân gặp khó khăn. Thời gian thực hiện ngay trong tuần này.

Bên cạnh đó, ngay khi dịch mới bùng phát, thông qua hệ thống Mặt trận tổ quốc, thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi, vận động các chủ nhà trọ có thể miễn hoặc giảm tiền cho người thuê nhà. “Người dân nào đang gặp khó khăn về vấn đề tiền thuê nhà có thể bình luận bên dưới đầy đủ số điện thoại, địa chỉ để thành phố có phương án hỗ trợ”, ông Thắng nói.

Ông Thắng chia sẻ, combo hàng hóa sử dụng trong 1 tuần mà thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất, để người dân sống tạm qua giai đoạn khó khăn. Trường hợp người dân sử dụng hết combo khi chưa hết 1 tuần, có thể báo cho địa phương đến xác minh. Từ đó, địa phương sẵn sàng cung cấp thêm gói khác để người dân đủ sinh hoạt.

Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”: Người dân lập tức được hỗ trợ sau khi phản ánh
Người dân ở quận Bình Thạnh nhận được hỗ trợ sau khi bình luận dưới buổi chia sẻ trực tuyến đầu tiên của thành phố. (Ảnh chụp màn hình)

“Lãnh đạo thành phố yêu cầu không được để hộ dân nào thiếu đói, nếu để hộ dân nào thiếu đói trách nhiệm sẽ thuộc về chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn đó”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, vào ngày 24/8, ngay tại buổi chia sẻ trực tuyến đầu tiên của thành phố đã có hơn 3.000 người bình luận về việc chưa nhận được túi an sinh, đề nghị hỗ trợ. Qua quá trình xác minh, còn hơn 180 trường hợp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, thông tin chi tiết để chính quyền liên lạc. Sau đó, 180 địa chỉ này đã được chuyển sang Trung tâm an sinh xã hội thành phố và các quận, huyện để hỗ trợ.

“Xin lỗi bà con vì những bất tiện vừa qua”

Theo ông Thắng, thời gian qua một số chính sách của thành phố “đá chân nhau” đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nguyên nhân đến từ áp lực thời gian khiến công tác chuẩn bị không kỹ lưỡng. Theo đó, sau khi tham vấn và xin ý kiến Trung ương để ban hành, do mong muốn người dân thành phố có sự chủ động, nắm bắt thông tin nhanh chóng dẫn đến việc ban hành thông tin không như mong muốn.

“Công tác chuẩn bị, phối hợp giữa các bộ phận chưa chu đáo, đầy đủ. Hiện lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các bộ phận chấn chỉnh để làm tốt hơn trong thời gian tới. Chính quyền thành phố rất xin lỗi bà con về sự bất tiện vừa qua”, ông Thắng nói.

Đối với 17 nhóm người được ra đường, hiện giấy thông hành cấp trước ngày 25/8 không sử dụng được nữa, do có sự điều chỉnh trong chính sách của thành phố. Trước đây, thành phố quy định giấy đi đường do các sở, ngành cấp cho những đối tượng trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, để công tác quản lý chặt chẽ, giám sát được đối tượng ra đường chừng mực, đảm bảo giãn cách xã hội, lãnh đạo thành phố đã giao cho Công an thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu mối, cấp giấy quản lý đi đường.

Các xe đã được cấp mã QR ngành giao thông vận tải, thì không cần xin giấy đi đường cá nhân nữa.

Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”: Người dân lập tức được hỗ trợ sau khi phản ánh
Người dân cần tỉnh táo với các tin giả lan truyền trên mạng xã hội.

Với các tổ chức thiện nguyện, ông Thắng cho biết thành phố rất trân trọng tấm lòng của những mạnh thường quân muốn chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của thành phố là kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, việc giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc rất quan trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh chưa khuyến khích các nhóm thiện nguyện đi trao quà trực tiếp cho người dân. Thay vào đó, các tổ chức từ thiện có thể đóng góp cho đoàn thể Nhà nước như UBND, mặt trận tổ quốc các phường, xã hoặc Trung tâm an sinh xã hội,…

Sau khi kiểm tra, xác định thông tin, các đoàn thể có thể xem nhóm thiện nguyện như một phần của tổ công tác, Trung tâm an sinh thành phố để điều phối việc đi hỗ trợ người lao động khó khăn.

“Khi điều kiện phù hợp hơn, thành phố sẽ tạo điều kiện để các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Mong người dân chia sẻ, vì điều kiện giãn cách nên không thể để mọi người đi ra ngoài nhiều”, ông Thắng nhấn mạnh.

Người dân cần tỉnh táo tin giả

Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết, trên mạng xã hội có một số tài khoản đăng tải những trạng thái kích động người dân, tung tin giả, chia rẽ vùng miền. Việc này gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội của thành phố và người dân.

Qua kiểm tra cơ quan chức năng nhận thấy đa số là những tài khoản, trang cộng đồng ở nước ngoài, có dấu hiệu chống phá Nhà nước.

“Chúng tôi mong muốn người dân không nên chia sẻ những thông tin giả mạo, kích động, cẩn thận với những thông tin giật gân từ nguồn không rõ ràng”, ông Do nói.

Tân Nguyên

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích