Livestream bán hàng doanh số ‘khủng’: Còn nhiều ‘lỗ hổng’
Doanh thu của các phiên livestream trở thành chủ đề được bàn tán rôm rả. Trong giới bán hàng online, D.L. khiến nhiều người trầm trồ khi có phiên livestream đạt doanh thu 30 tỉ đồng. Vào tháng trước, vợ chồng Q.L.D. gây chú ý khi công bố đạt doanh số 100 tỉ đồng sau 17 tiếng liên tục livestream.
Ở phiên bán hàng vào đầu tháng này, vợ chồng trên cũng đặt mục tiêu đạt 150 tỉ đồng, kết quả là đạt 80 tỉ đồng sau 40 tiếng liên tục bán hàng online.
Quản lý và điều hành Accesstrade, nền tảng tiếp thị liên kết lớn hàng đầu Việt Nam, ông Dũng Bùi cho biết, dự báo vào năm tới nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam ước đạt 45 tỉ USD, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) chiếm tới 24 tỉ USD.
Hãng dữ liệu NielsenIQ cũng cho biết trong quý đầu năm 2024 có tới 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua livestream. Việc mua hàng qua các KOC (người tiêu dùng, có sức ảnh hưởng) và KOL (người nổi tiếng) ngày càng phổ biến.
Các phiên livestream bán hàng trên TikTok đạt doanh thu hàng 100 – 150 tỉ đồng cũng ngày càng phổ biến. Ngay các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Shopee, Lazada… cũng xem livestream là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường. Tuy nhiên đang có lỗ hổng trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.
Bán hàng livestream từ các sàn thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Một khảo sát về hành vi mua sắm gen Z tại Việt Nam mới đây của Shopee cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc thu thập voucher, 2/5 gen Z thích xem livestream để săn hàng trên kênh TMĐT. Trong đó 84% người dùng cho biết trải nghiệm mua sắm thú vị là một trong những lý do lựa chọn TMĐT làm kênh mua sắm ưa thích.
Hiện một số sàn bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thống kê, sàng lọc sản phẩm, giá bán nhưng riêng với các phiên livestream vẫn rất khó “rà” một cách chính xác. “Để đánh giá đúng doanh số, đơn hàng, các sàn cần phối hợp chặt chẽ với người bán trước các phiên livestream, có cơ chế minh bạch và công khai thông tin rõ ràng như đăng ký sản phẩm, giá…” – đại diện Metric nói.
Chính vì khó kiểm soát nên dù bùng nổ thời gian qua nhưng quản lý thuế và thu thuế hoạt động livestream bán hàng vẫn rất khó khăn, thất thu lớn.
Theo các chuyên gia kinh tế, không giống như hình thức đưa hàng lên sàn TMĐT bán, hình thức livestream sau khi kết thúc phiên từ người mua và cả cơ quan quản lý cũng không còn biết họ là ai. Điều này cho thấy việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp vì tính mới và phổ biến của nó.
Theo đó, hình thức bán hàng phát trực tiếp ra đời từ năm 2016 tại Trung Quốc, đến nay ngày càng phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của mô hình này cũng kéo theo một số mặt trái, đặc biệt là tình trạng bán hàng hóa kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật.
Với khối lượng giao dịch lên đến 4,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm ngoái, bán hàng qua phát trực tiếp đã trở thành một trong những hình thức bán lẻ hàng đầu tại Trung Quốc. Nhưng đằng sau sự phát triển thần tốc này cũng tiềm ẩn không ít vấn đề cần chấn chỉnh.
Tờ Quang Minh Nhật báo chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm của livestream bán hàng, như việc tạo ra các kịch bản và câu chuyện sai lệch, làm giả số liệu bán hàng để tăng sức hút, tuyên truyền không đúng về hiệu quả sản phẩm, mạo danh các thương hiệu nổi tiếng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng… Bài viết cho rằng, những hành vi này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyềín và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sự phát triển của nền kinh tế Internet.
Theo Nhật báo Bắc Kinh, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, cần có cơ chế xử phạt nghiêm khắc hơn và hoàn thiện quy định pháp luật để làm rõ trách nhiệm pháp lý của người phát sóng, nền tảng và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, đồng thời cần tăng cường cơ chế giám sát toàn diện, từ giám sát những người phát trực tiếp hàng đầu, giám sát chất lượng sản phẩm thông qua người tiêu dùng cho đến các nền tảng phát trực tiếp, xây dựng cơ chế kiểm duyệt hiệu quả để ngăn chặn tình trạng bán hàng không đạt chất lượng.
Trong khi đó, Mạng Thanh niên Trung Quốc cho rằng, ngoài việc giám sát và hoàn thiện quy định pháp luật, cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc bởi xét cho đến cùng, dù hàng hóa được bán ở vòng phát trực tiếp hay chợ truyền thống thì vấn đề chính vẫn là bản thân sản phẩm có đạt tiêu chuẩn hay không. Trang mạng này cho rằng, muốn chấm dứt tình trạng sản phẩm không đủ tiêu chuẩn. điều đầu tiên cần xem xét là hàng hóa có nguồn gốc từ đâu và làm sao giám sát hiệu quả trước khi những sản phẩm này thâm nhập vào thị trường.
Thanh Hiền (t/h)