Lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm năm 2022” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp đã được Đảng, Nhà nước ta chú trọng từ sớm. Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường đại học Nông Lâm đã được thành lập (ngày 12/10/1956), đây là một trong 4 trường đại học đầu tiên của cả nước.

66 năm qua, Học viện đã không ngừng nỗ lực, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao cho đất nước. Nhiều người trở thành nhà khoa học đầu ngành, cán bộ lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan quản lý và không ít người thành doanh nhân thành đạt.

Lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự chương trình – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở kết quả của chương trình quốc gia khởi nghiệp với dự án “Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam Phần Lan” mà Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ 14 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, với ba nội dung lớn là: Hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; Tạo môi trường khởi nghiệp; Hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp.

Thủ tướng khơi gợi, khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao, mà nhiều khi từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Những điều khiến chúng ta trăn trở nhất, thúc đẩy chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ cũng đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ.

Thủ tướng cho rằng, khởi nghiệp nông nghiệp phải gắn với xây dựng Nông thôn mới, gắn với sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, đa dạng hóa tăng trưởng sản phẩm, chú trọng quy hoạch hóa sản phẩm, chế biến chuyên sâu.

Đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu của thực tiễn. Muốn vậy, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh và sinh viên.

Lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp
Thủ tướng thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cũng mong muốn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như vấn đề mang tầm chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc định hướng nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Nhà trường cần tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em “không gian” để thử nghiệm kiến thức đã học trong việc giải quyết những bài toán tình huống thực tế không chỉ trên giảng đường mà quan trọng hơn là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ thực tiễn cuộc sống.

Sinh viên cần hình thành hoài bão, lý tưởng

Đối với các em học sinh, sinh viên, Thủ tướng nhắn nhủ, điều quan trọng là cần hình thành hoài bão, lý tưởng; trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống trong môi trường với thị trường lao động mở, cạnh tranh. Thủ tướng chúc các em học sinh, sinh viên sử dụng cơ hội này một cách hiệu quả; các em học sinh trung học phổ thông định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, các em sinh viên tìm được công việc phù hợp với năng lực của bản thân.

Lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khai mạc “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm năm 2022” – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, chính doanh nghiệp – nhà tuyển dụng mới là nơi đặt ra đề bài cho bài toán giáo dục. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn kết chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục đại học, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo từ việc dự báo nhu cầu lao động, ký hợp đồng đặt hàng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc của chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ quỹ ươm mầm sáng tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ phát triển nhân tài, tạo môi trường để các em cọ xát thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp…

Thủ tướng cũng cảm ơn các doanh nghiệp đã dành 3.000 vị trí việc làm cho các em sinh viên vừa tốt nghiệp vì đã đồng hành cùng đất nước trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên; tin tưởng các doanh nghiệp sẽ kiếm tìm, chọn lựa nguồn nhân lực chất lượng như mong đợi từ các học sinh, sinh viên.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Thủ tướng yêu cầu, kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần có giải pháp tài chính hỗ trợ, ươm mầm khởi nghiệp; xây dựng hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi về tài chính, tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của các trung tâm, vườn ươm doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Ngân Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích