LILAMA2: Đào tạo nhân lực có kỹ năng số

(Xây dựng) – Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức, công nghệ sản xuất, dây chuyên sản xuất được hiện đại hoá ứng dụng IoT; yêu cầu nguồn nhân lực đảm bảo về kiến thức, kỹ năng (kỹ năng cứng về năng lực số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy; kỹ năng mềm về khả năng tư duy sáng tạo (STEM)… LILAMA2 phải nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ tiếp cận công nghiệp 4.0.
![]() |
Đào tạo theo mô hình của Đức
Chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN luôn là mục tiêu hàng đầu. Do đó, Nhà trường luôn tiếp cận công nghệ mới, nghiên cứu chương trình đào tạo để kịp thời cập nhật vào nội dung đào tạo. Với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế GIZ Đức, Nhà trường đã triển khai đào tạo theo mô hình đào tạo nghề phối (Cooperative Vocational Training/CVT); mô hình đào tạo kép (Dual Training) theo tiêu chuẩn của Đức với các DN Bosch, Mercedes Benz, Schaeffler, IshiShei, Martech, Advand Multitech và Thuận Hải… giúp sinh viên, sau khi tốt nghiệp, làm ngay tại DN mà không phải đào tạo lại. DN tham gia điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp quy trình công nghệ sản xuất và vị trí việc làm thực tế; tham gia xây dựng kế hoạch và bố trí cán bộ phụ trách đào tạo để sinh viên đến thực hành tại DN; tham gia đánh giá năng lực của sinh viên trong quá trình học và kỳ thi tốt nghiệp.
Do ảnh hưởng đại dịch Covid -19, LILAMA 2 tổ chức đào tạo theo phương án 3 tại chỗ cho sinh viên theo học chương trình đào tạo theo mô hình CVT đối với các nghề Cắt gọt kim loại CNC, Chế tạo thiết bị cơ khí, Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp. Hơn 250 sinh viên tốt nghiệp đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đầu ra, cung cấp kịp thời nguồn nhân lực cho DN.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Là mục tiêu trọng tâm thực hiện của năm, LILAMA 2 đã xây dựng hệ thống phần mềm, hạ tầng I-cloud Server để chuyển đổi đào tạo trực tiếp sang trực tuyến. 100% đội ngũ giáo viên nhà trường sử dụng công cụ số trong giảng dạy, xây dựng được ứng dụng phần mềm LCMS.LILAMA2 (Learning Contents Management System) trên nền tảng Moodle/Bigblueburton của riêng nhà trường. Sinh viên đến trường trong thời gian ngắn để nâng cao kỹ năng thực hành, đảm bảo chất lượng chuyên môn.
Giúp người lao động chuyển đổi nghề
Dưới sự hỗ trợ nguồn kinh phí đào tạo từ tổ chức quốc tế GIZ Đức, năm 2021, LILAMA2 đã đào tạo trong lĩnh vực Kỹ thuật điện tử công nghiệp, Tự động hoá, Cơ điện tử, Cơ khí và Hàn cho hơn 400 lượt người lao động bị ảnh hưởng Covid – 19 để người lao động có nhiều cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kết nối mạng lưới DN trên địa bàn để triển khai đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi công nghệ cho DN như: Tập đoàn Đại Dũng, QH Plus, ATAD, VinaTAK, Bosch VN… theo Nghị quyết 23/NQ-CP.
Sẵn sàng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số
Để cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng số theo Quyết định 1446/QĐ-TTg ngày TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, LILAMA2 đã xây dựng và phát triển 4 ngành nghề tích hợp yếu tố 4.0 và xanh hoá và được HWK Erfurt của Đức công nhận tương đương tiêu chuẩn Đức, ứng dụng đào tạo từ năm 2022. Bên cạnh đó, LILAMA2 xây dựng mới 3 ngành nghề trong lĩnh vực Rô bốt công nghiệp, Kỹ thuật tự động hoá công nghiệp và Công nghiệp 4.0 (Industial 4.0).
Để thực hiện giảng dạy các chương trình đào tạo trên, Nhà trường đã chuẩn bị như sau: Đội ngũ giảng viên được tổ chức quốc tế GIZ Đức hỗ trợ đào tạo sư phạm số, đào tạo về kỹ năng chuyên môn. Đến nay, có 44 giáo viên của nhà trường được cấp chứng chỉ tương đương giáo viên dạy nghề của Đức. Nhiều giảng viên nòng cốt được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng của CMCN 4.0, đủ khả năng để triển khai giảng dạy cho giảng viên của ngành, của DN.
Đầu tư bổ sung thêm phòng thực hành công nghiệp 4.0 (I 4.0), in 3D, Rô bốt công nghiệp… Đồng thời, LILAMA2 tiếp tục hợp tác và phối hợp với DN như Mercedes Benz, Schaeffler, Bosch Rexroth, DMG, Siemens, Festo… để khai thác trang thiết bị.
Nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu DN, đưa sinh viên tốt nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản và Đức, trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục hợp tác với DN để nhân rộng mô hình đào tạo phối hợp (CVT) theo tiêu chuẩn Đức; tiếp tục hợp tác với các tập đoàn công nghệ như: Bosch Rexroth, DMG MORI, Siemens, Festo, Lincoln Electric… để cập nhật công nghệ và trang thiết bị mới, đặc biệt là công nghệ 4.0.
ThS Nguyễn Khánh Cường
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ LILAMA 2
Nguồn: Báo xây dựng