LILAMA: Chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu
(Xây dựng) – Với việc cung cấp thiết bị module điện phân cho các nhà máy sản xuất hydro xanh trên thế giới, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu.
Tổng công ty LILAMA vừa bàn giao chuyến hàng đầu tiên cho dự án hydro xanh NEOM tại Ả-Rập Xê-út. |
Hữu xạ tự nhiên hương
Đầu tháng 12 năm nay, Tổng công ty LILAMA đã hoàn thành việc bàn giao chuyến hàng đầu tiên cho dự án hydro xanh NEOM tại Ả-Rập Xê-út. Đây là dự án hợp tác thành công thứ 2 giữa LILAMA và DN phát triển công nghệ hydro xanh hàng đầu thế giới, Tập đoàn Thyssenkrupp Nucera đến từ Cộng hòa Liên bang Đức. Trước đó, hai bên đã hoàn thành việc thiết kế, chế tạo và tổ hợp 2 module điện phân 20 MW cho nhà máy hydro xanh tại bang Arizona (Hoa Kỳ).
Thành công của dự án đã giúp LILAMA ký được hợp đồng lớn cung cấp 110 module thiết bị điện phân cho dự án hydro xanh NEOM tại Ả-Rập Xê-út. Đây là dự án hydro xanh lớn nhất thế giới với tổng mức đầu tư lên tới hơn 8 tỷ USD nhằm phục vụ nhu cầu năng lượng của siêu đô thị NEOM. Dự án sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và điện mặt trời để cung cấp tới 600 tấn hydro xanh mỗi ngày, từ đó thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch và giảm mức phát thải CO2. Đây là một dự án năng lượng trọng điểm với mục tiêu hiện thực hóa kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Ả-Rập Xê-út với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của quốc gia này.
Mỗi module điện phân có chiều dài 55 m, rộng 5 m, cao 8 m và trọng lượng khoảng 200 tấn với hàng nghìn thiết bị được kết nối với nhau. Các module khi chế tạo, lắp đặt và tổ hợp có độ chính xác cao, sai số nhỏ, dung sai luôn luôn dưới 2 mm. Khi đưa vào vận hành, nhà máy sẽ tạo ra trung bình khoảng 600 tấn hydro xanh mỗi ngày. Nhiên liệu hydro xanh từ dự án NEOM sẽ được cung cấp cho các phương tiện giao thông vận tải và các nhà máy công nghiệp nặng, qua đó góp phần giảm mức phát thải CO2 ở mức 5 triệu tấn mỗi năm.
Đáng chú ý, công việc không hề tự đến với LILAMA mà chính thái độ và trình độ của họ đã khiến đối tác Thyssenkrupp Nucera tìm đến mời hợp tác. Hai bên đã biết đến nhau khi còn làm chung tại dự án nhà máy sản xuất phân đạm ở Brunei trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Tại dự án đó, LILAMA đã làm rất tốt nên Thyssenkrupp Nucera đã mời DN của Việt Nam tham gia chế tạo module thiết bị điện phân cho nhà máy sản xuất hydro xanh. Trước nay, nguyên tắc của thợ lắp máy LILAMA là cố gắng hết sức để làm tốt công việc của mình để được giao nhiều việc hơn, từ đó có cơ hội bước lên những bậc thang cao hơn và nâng cao trình độ trước các đối tác.
Tổng công ty LILAMA trở thành DN đầu tiên của Việt Nam sản xuất thiết bị module điện phân cho nhà máy sản xuất hydro xanh. |
Hướng đi mới đầy triển vọng
Việc hợp tác với Thyssenkrupp Nucera đã giúp LILAMA có vinh dự tham gia chuỗi sản xuất hydro xanh khổng lồ tại Ả-Rập Xê-út. Như vậy, họ đã trở thành DN đầu tiên của Việt Nam sản xuất thiết bị module điện phân cho nhà máy sản xuất hydro xanh và thu về những lợi nhuận to lớn từ các dự án này.
Ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty LILAMA cho biết, việc tham gia chế tạo module thiết bị điện phân cho nhà máy sản xuất hydro xanh đang mở ra một hướng đi mới cho LILAMA trong tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá giảm dần, các nước trên thế giới đang chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó và LILAMA trở thành DN đi tiên phong trong lĩnh vực chế tạo module thiết bị điện phân cho các nhà máy sản xuất hydro xanh. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có 2 nhà máy đang chế tạo và tổ hợp thiết bị này, bao gồm 1 ở Việt Nam (LILAMA) và 1 ở Tây Ban Nha.
Dĩ nhiên, khi bắt đầu một công việc mới đòi hỏi độ chính xác cao hơn sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn trong giai đoạn đầu. Nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, kinh nghiệm và tài năng của mình, đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật của LILAMA đã nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới. Ông Hà Văn Đức – Đội trưởng Đội thi công số 2 LILAMA phụ trách gia công, chế tạo và tổ hợp module thiết bị điện phân chia sẻ: “Khi tham gia thi công 2 module cho nhà máy ở bang Arizona (Hoa Kỳ) vào năm 2022, chúng tôi đã gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn vì phải tiếp cận với công nghệ mới. Nhưng cũng từ đó, LILAMA đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để cải thiện tốt hơn cho dự án lớn NEOM.
Thực tế là những công việc liên quan đến gia công chế tạo, lắp đặt cơ khí, điện – điều khiển… không quá xa lạ đối với đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật của LILAMA. Đây là một lợi thế khi đảm nhận công việc mới. Nhưng dự án lần này có một số yêu cầu đặc thù riêng như độ chính xác cao, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khắt khe từ phía đối tác, sự phức tạp trong thiết kế và đồng bộ về vật tư… dẫn đến không ít khó khăn cho đội ngũ thi công, nhất là giai đoạn ban đầu triển khai dự án.
Với sự hỗ trợ từ đối tác Thysennkrup Nucera, Tổng công ty LILAMA đã tập trung tối đa lực lượng kỹ sư tìm hiểu kỹ và nắm bắt các tài liệu, bản vẽ, tiêu chuẩn của dự án từ thời điểm trước khi triển khai thi công. Tiếp theo đó, LILAMA đã tổ chức các buổi thảo luận hàng tuần theo từng chủ đề để chia sẻ và tiếp thu kinh nghiệm giữa đội ngũ kỹ sư và tổ trưởng trực tiếp thi công”.
Đại diện cho Tập đoàn Thyssenkrupp Nucera, ông Jose Soares – Giám đốc Quản lý thi công cho biết, sau quá trình hợp tác cùng chế tạo 2 module thiết bị điện phân cho dự án nhà máy sản xuất hydro tại Hoa Kỳ, Tổng công ty LILAMA đã khẳng định năng lực và uy tín của DN hàng đầu trong lĩnh vực lắp máy. Bởi vậy, phía Tập đoàn Thyssenkrupp Nucera rất tin tưởng sự hợp tác giữa hai bên sẽ tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao và thực tế đã chứng minh nhận định này hoàn toàn đúng đắn.
Trong thời gian tới, mục tiêu của LILAMA là tiếp tục cải thiện, tối ưu biện pháp tổ chức thi công để nâng cao hơn nữa năng suất gia công chế tạo, tổ hợp lắp đặt theo mô hình dây chuyền sản xuất hàng loạt. Theo kế hoạch đã đề ra, mỗi tháng LILAMA sẽ hoàn thành 5 – 6 module đủ điều kiện bàn giao cho phía đối tác Thysennkrup Nucera. Dự kiến, LILAMA và Thyssenkrupp Nucera sẽ hoàn thành việc cung cấp các module điện phân cho dự án hydro xanh NEOM vào quý III/2025, đồng thời tiếp tục hợp tác triển khai các dự án hydro xanh tiếp theo cho các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.
Có thể nói, việc tham gia chế tạo module thiết bị điện phân cho nhà máy sản xuất hydro xanh là một bước đi đúng đắn và thành công của LILAMA trong chiến lược chuyển đổi định hướng kinh doanh theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến các nguồn năng lượng xanh và bền vững, không phát thải CO2. Sự thành công của những dự án hợp tác với Thyssenkrupp Nucera đã khẳng định vị thế LILAMA trong chuỗi cung cấp năng lượng xanh toàn cầu, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn thế giới. Những kinh nghiệm quý giá của LILAMA hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng triển khai các hệ thống năng lượng sạch bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Nguồn: Báo xây dựng