‘Liều thuốc’ mạnh tăng sức cho doanh nghiệp
Với quan điểm đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hàng loạt chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Thép thành phẩm được dự kiến sẽ tăng trong năm 2024. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Tuy nhiên, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong 6 tháng qua nhưng kết quả khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của 30.000 doanh nghiệp cho thấy, cả nước vẫn có đến gần 54% doanh nghiệp gặp khó vì nhu cầu thị trường trong nước thấp. Đây là thời điểm các doanh nghiệp rất cần những trợ lực để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất – kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.
Chính sách đến nhanh với doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam nhìn chung đã phục hồi trở lại như trước dịch COVID-19 và tiếp tục có xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước với tốc độ tăng trưởng đạt 6,42% . Để đạt được kết quả tích cực này, ngay trong ngày đầu năm 2024, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 02/NQ-CP được ban hành trở lại sau 1 năm gộp vào Nghị quyết 01/NQ-CP đã làm tăng sức nóng cải cách và thực thi hiệu quả nghị quyết là điều cộng đồng doanh nghiệp mong chờ.
Theo đó, với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo áp lực thúc đẩy quá trình cải cách của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, các hoạt động đối thoại doanh nghiệp, lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt, tiếp thu những kiến nghị, phản hồi sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Qua đó, có những hành động kịp thời, cụ thể và quyết liệt trong giải quyết khó khăn thực tế doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt là vướng mắc về chính sách.
Đặc biệt, cùng với Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Bộ cũng trình Chính phủ ban hành các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng; trong đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Tiếp đó, Bộ tham mưu ban hành chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy dự kiến giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chia sẻ, nhờ một số tín hiệu tích cực như kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hàng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng…, dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục, tạo tiền đề phát triển mạnh hơn trong năm sau. Bên cạnh đó, những chính sách và một số luật mới như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội vừa thông qua và có hiệu lực từ 1/8 sẽ là một trong những yếu tố góp phần cải thiện nhu cầu cho lĩnh vực bất động sản nửa cuối năm.
Thực tiễn cho thấy, đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đi rất nhanh vào đời sống, có hiệu lực ngay với các doanh nghiệp, như chính sách tài khóa, giãn, giảm thuế. Kết quả kinh tế nửa đầu năm khởi sắc cũng được phản ánh phần nào trong cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê ghi nhận có 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024. Trong khi đó chỉ có 26,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Doanh nghiệp vẫn còn khó
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN |
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trong 6 tháng có 119.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 18.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, hiện có 43,6% doanh nghiệp cho biết mức độ cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước ngày càng gay gắt. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngay tại sân nhà.
Về những khó khăn của doanh nghiệp, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là đầu ra. Nguyên nhân do nhu cầu thị trường trong nước thấp và mức độ cạnh tranh tiêu thụ hàng trong nước cao. Đây là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỉ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng với doanh nghiệp xây dựng có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.
“Có 27,4% doanh nghiệp gặp khó khăn vì giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao. Đây là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp”, bà Nga nói.
Bên cạnh đó, có 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh, 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao. Cùng đó, có 18,1% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu, 14,7% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh…
Đề cập đến những “khó khăn truyền thống” mà doanh nghiệp phải đối mặt, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết: Đó là chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi.
Đồng thời, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện. Các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả và doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), có hai yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp nội địa là: Triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều ẩn số nên doanh nghiệp, người dân có tâm lý thắt chặt tiêu dùng, đầu tư. Điều này phản ánh qua chỉ số tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng 6 tháng đầu năm rất cao.
Thêm “liều thuốc” mạnh
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024. Theo đó, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như: chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội khóa XV cũng đã quyết định tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đến hết ngày 31/12/2024. Điều này sẽ giúp kích cầu tiêu dùng trong 6 tháng còn lại của năm 2024.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách giảm thuế VAT là giảm trực tiếp chi phí mua hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị nên kéo dài chính sách giảm thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Trong bối cảnh cho phép thì việc giảm thuế VAT nên ở mức sâu hơn, như vậy người dân mới thấy khoản hỗ trợ giảm thuế có ý nghĩa với túi tiền của họ và quyết định mua sắm thêm.
Mặt khác, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cần chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới, Chính phủ rà soát, đổi mới chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để phù hợp thực tiễn. Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách giảm thuế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương phải mạnh mẽ hơn trong cắt giảm điều kiện, chi phí kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công; có các biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ, trong bối cảnh này, các chính sách đã áp dụng trước đây như chính sách tài khóa mở rộng sẽ phát huy hiệu quả đối với doanh nghiệp. Các trợ lực chính sách này một mặt làm giảm gánh nặng trực tiếp phải đóng góp, chi trả của doanh nghiệp và đồng thời cũng chính là giải pháp để tăng, kích cầu, giúp cho thị trường tiêu dùng nội địa tăng lên.
Bên cạnh đó, chương trình về đầu tư công, hỗ trợ của Chính phủ cũng phải đẩy mạnh hơn để tạo thêm “cầu” của doanh nghiệp lớn. Từ đó, tạo sức lan tỏa cho các khu vực, doanh nghiệp khác có thêm việc làm và thị trường. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ đó là các chính sách hỗ trợ mặc dù đã có nhưng thủ tục vẫn rườm rà, chồng chéo. Do đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ tài chính, những thủ tục về mặt hành chính cần tiếp tục cải tiến, nhất là đang trong xu thế cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, chi phí không chính thức của doanh nghiệp.
Thêm một khó khăn doanh nghiệp đang đối diện lại không phải tác động trực tiếp từ phía cơ quan quản lý doanh nghiệp mà từ khâu quản lý công. Những cơ quan thực thi công vụ đang trong tình trạng e ngại không mạnh dạn để thực thi, giải quyết những yêu cầu phát sinh của doanh nghiệp. Điều đó cũng là một trong những rào cản không đáp ứng kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp.
Do vậy, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp về mặt tài chính, cải cách thể chế, hành chính là vấn đề cấp bách; đặc biệt là giải quyết những nút thắt để cơ quan thực thi công vụ phải dám nghĩ, dám làm, năng động và không sợ sai. Hoặc, có thể thông qua một cơ chế đặc thù để giúp cán bộ có thể vận dụng một cách năng động, sáng tạo vào việc giải quyết những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo xây dựng