Liệu pháp corticosteroids liều pulse: Hướng đi tiềm năng trên nhóm bệnh nhân COVID-19?

Liệu pháp corticosteroids liều pulse: Hướng đi tiềm năng trên nhóm bệnh nhân COVID-19?

MTĐT –  Thứ ba, 16/08/2022 09:32 (GMT+7)

Sau khi dịch bệnh đã đi qua, giới nghiên cứu y tế vẫn tiếp tục đánh giá lại các phương pháp điều trị COVID để đề xuất các giải pháp điều trị phù hợp với điều kiện y tế tại Việt Nam.

Một phương pháp, ý tưởng điều trị cho thấy hiệu quả rõ ràng khi điều trị bệnh nhân COVID nguy kịch trong giai đoạn bùng phát dịch tại TP HCM, Bình Dương, mới được công bố cho thấy tính hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, tiềm lực và cơ sở vật chất y tế còn hạn chế.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư ở TP.HCM và Bình Dương, hệ thống y tế quá tải, các phương pháp chữa trị hiện đại như sử dụng kháng thể đơn dòng không thể áp dụng được trong bối cảnh thiếu vật tư y tế. Một phương pháp điều trị hiệu quả với nhiều bệnh nhân lâm vào nguy kịch đã được đội ngũ y bác sĩ áp dụng ban đầu tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (HSCC) COVID-19 số 2, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, sau đó lan dần sang các bệnh viện khác tại TP. HCM và Bình Dương. Đó là “Liệu pháp methylprednisolone pulse liều cao trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nguy kịch là kết quả từ một nghiên cứu quan sát hồi cứu”.

tm-img-alt
BS. Trần Thanh Linh (người điều trị thành công cho ‘bệnh nhân 91’ phi công Anh) chỉ đạo công tác chữa trị tại BV Hồi sức Covid-19, TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng/Vietnamnet

Nghiên cứu của ThS. BS. Bùi Nghĩa Thịnh, NCS Ngô Hoàng Anh, ThS. BS. Huỳnh Minh Nhật, SVYK Đỗ Trần Nguyên Huy. BSCKII. Lê Duy Lạc, TS. BS. Nguyễn Thu Anh cùng với các cộng sự tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức và Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam thực hiện đã phân tích dữ liệu của 147 bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (HSCC) COVID-19 số 2, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 13/7/2021 đến ngày 31/8/2021, có kết quả xét nghiệm real time RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 và có kết quả đầu ra cuối cùng được ghi nhận trước ngày 15/9/2021. Các bệnh nhân được xác định là nguy kịch dựa trên Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, cùng với nồng độ ferritin trên mức 1000ng/mL. Trong số này, 66 bệnh nhân được điều trị với liệu pháp pulse corticosteroids (nhóm điều trị), và 81 bệnh nhân còn lại thuộc nhóm đối chứng, được điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn trước đó của Bộ Y tế, phiên bản ngày 14/7/2021 với 32mg methylprednisolone/ngày.

Trước khi công bố toàn văn nghiên cứu này, nhóm đã gửi bình duyệt và công bố những báo cáo ca bệnh thành công của nghiên cứu tại các tạp chí và hội nghị y khoa lớn trên thế giới. Đặc biệt trong đó có trường hợp chữa trị cho một sản phụ 37 tuổi mang thai 23 tuần tuổi mắc COVID-19 nguy kịch đã xuất viện thành công nhờ vào sự kết hợp việc sử dụng corticosteroids liều pulse và chấm dứt thai kỳ trong 3 tháng giữa. Riêng quá trình điều trị ca bệnh này cũng đã được công bố trên tạp chí Case Reports in Women’s Health vào tháng 2/2022.

Quá trình nhiễm COVID-19 có thể được chia thành hai pha, bao gồm pha tăng sinh virus và pha tăng viêm, Trong đó, pha tăng viêm được đặc trưng bởi đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể. Đáp ứng này không có lợi mà ngược lại, có thể dẫn đến tổn thương đa cơ quan. Đây là giai đoạn có tỉ lệ tử vong cao nhất trong quá trình nhiễm bệnh. Vì lẽ đó, đã có nhiều biện pháp can thiệp được thử nghiệm với mục đích chặn đứng đáp ứng bất lợi nói trên, như việc sử dụng các kháng thể đơn dòng chặn IL-6 (như Tocilizumab), IL-1 (như Anakinra), Janus Kinase hay sử dụng corticosteroids liều cao. Pulse corticosteroids là liệu pháp sử dụng corticosteroids liều rất cao trong thời gian ngắn, chẳng hạn như methylprednisolone ở liều 500mg/ngày trong vòng ba ngày và ít nhất 24h trước khi phải can thiệp thở máy. Trong khi ở thời điểm đó tại Việt Nam, việc tiếp cận các liệu pháp kháng thể đơn dòng còn hạn chế, thì liệu pháp sử dụng pulse corticosteroids là rất cần kíp và khả thi cho điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng trong pha tăng viêm nói trên.

Nghiên cứu phân tích dữ liệu đa biến cho thấy việc sử dụng corticosteroids liều pulse có giúp giảm gần 90% tỉ lệ tử vong nội viện của bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.

Trước khi được áp dụng tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, ý tưởng về việc sử dụng corticosteroids liều pulse đã được ứng dụng tại nhiều trung tâm điều trị COVID-19 nặng và nguy kịch trên thế giới, trong đó, tiêu biểu là nghiên cứu quan sát tiến cứu của Miguel A. L. Z. và các cộng sự hoặc nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu của Ivan C. và các cộng sự tại Tây Ban Nha, hay thử nghiệm lâm sàng của Maryam E. và các cộng sự tại Iran. So với liệu trình điều trị thông thường, các nghiên cứu này đều cho kết quả khả quan, khi giảm tỉ lệ tử vong nội viện cũng như gia tăng khả năng xuất viện thành công. Đó được xem là cơ sở khoa học, cũng như là hy vọng mở đường cho các y bác sĩ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức và nhóm nghiên cứu mạnh dạn áp dụng và kiểm chứng trên các bệnh nhân nguy kịch điều trị nội trú, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch vô cùng căng thẳng với số lượng các ca chuyển nặng tăng cao tại thời điểm đó.

Một trong những lợi thế lớn nhất của corticosteroids liều pulse trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng chính là tính sẵn có và giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện tiềm lực và cơ sở vật chất y tế còn nhiều thiếu thốn như Việt Nam. Ngay sau khi có kết quả nghiên cứu, tầm ứng dụng của liệu pháp này đã được mở rộng cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại nhiều khoa, phòng, trung tâm HSCC, tiêu biểu là các bệnh viện tầng 2 và Bệnh viện Dã chiến HSCC tỉnh Bình Dương nhằm giảm thiểu nhanh chóng tỉ lệ tử vong tại tỉnh này.

Tính an toàn của liệu pháp cũng phần nào được chứng minh với tỉ lệ xuất hiện các biến cố bất lợi quan trọng không có khác biệt thống kê so với nhóm chứng. Tuy nhiên, tới đây vẫn cần nhiều thử nghiệm lâm sàng quy mô nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả và tác dụng phụ không mong muốn của liệu pháp này.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích