Liên tiếp thực hiện nhiều thương vụ, bức tranh Point of Life của Masan dần rõ nét

(TN&MT) – Theo báo cáo phân tích mới đây hồi cuối tháng 5, Chứng khoán Bản Việt khuyến nghị mua cổ phiếu MSN kèm giá mục tiêu 142.500 (cao hơn 30% so với ngưỡng hiện tại). Nhìn nhận tiền đề lý giải cho câu chuyện này như thế nào?

Trong thời gian qua, Masan đã khuấy động thị trường trong và ngoài nước không chỉ bởi các thương vụ khủng dồn dập mà còn bởi những chiến lược kinh doanh bài bản đằng sau đó. Dẫn lời Tổng Giám đốc Masan Group, ông Danny Le cho biết: “Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua “nền tảng” phục vụ chiến lược chung của Masan”.

“Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam” – ông Danny Le nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Masan Group – Danny Le (giữa) tại sự kiện vinh danh Doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu.

Những thương vụ “chấn động” thị trường bán lẻ

Bước khởi đầu là thương vụ đình đám thâu tóm VinCommerce vào tháng 12/2019. Dưới sự điều hành của Masan, VinCommerce ghi nhận EBITDA dương lần đầu tiên vào Quý IV/ 2020. The CrownX (công ty nắm cổ phần chi phối tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings) ghi nhận doanh thu thuần 54.277 tỷ đồng trong năm 2020, tăng trưởng hơn 18%.

Tháng 4/2021, thị trường bán lẻ Việt tiếp tục đón nhận sự đầu tư một chaebol lớn thứ 4 Hàn Quốc: SK đã mua 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VinCommerce được định giá 2,5 tỉ USD cho 100% vốn chủ sở hữu. Thỏa thuận đầu tư của SK đã khẳng định năng lực vận hành và cải thiện lợi nhuận VinCommerce. Các sáng kiến của Masan theo hướng tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng và danh mục sản phẩm, cải thiện lợi nhuận liên tục đã giúp quản lý biên lợi nhuận thương mại chặt chẽ và tiết kiệm chi phí. 

Tổng Giám đốc VinCommerce Trương Công Thắng: “Thỏa thuận đầu tư từ SK Group đã khẳng định mạnh mẽ tính hiệu quả của các sáng kiến chuyển đổi VinCommerce”.

Một tháng sau, tức đầu tháng 5 vừa qua, 400 triệu USD tiếp tục được đầu tư vào The CrownX bởi nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) dẫn dắt. Phát ngôn cho sự kiện này, ông Kenny Ho – Giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á của Alibaba – nhận định: “Sự kết hợp giữa chuyên môn về bán lẻ trực tuyến của Alibaba, nền tảng điện tử thương mại của Lazada và mạng lưới bán lẻ truyền thống hàng đầu của Masan sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình hiện đại hóa lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam”.

Trong thương vụ này, The CrownX được định giá 6,9 tỉ USD (pre-money), tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng/cổ phiếu). Giới chuyên môn nhận định, định giá của The CrownX không chỉ dừng lại ở con số 6,9 tỷ USD mà giá trị này được kỳ vọng sẽ tăng gấp từ 3 đến 5 lần trong những năm tới.

Số tiền 400 triệu USD mới chỉ là số vốn ban đầu trong kế hoạch hiện đại hóa chuỗi bán lẻ trong mô hình tiêu dùng – bán lẻ của Tập đoàn Masan.

Cuối tháng 5 vừa qua, công ty con của Masan – The Sherpa công bố thiết lập Hợp tác Chiến lược với Phúc Long cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới VinMart+ trên toàn quốc. Ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc VinCommerce – cho biết: “VinMart+ và Phúc Long rất tự hào là 2 thương hiệu mạnh của Việt Nam kết hợp sức mạnh với nhau để phục vụ cho việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam. Tôi tin rằng sự kết hợp các sản phẩm thương hiệu Phúc Long cùng mạng lưới trên 2.200 cửa hàng VinMart+ hôm nay và 10.000 cửa hàng trong 5 năm tới sẽ giúp 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội thưởng thức những thức uống trà và cà phê tươi ngon”.

Sau khi thử nghiệm 4 Kiosk Phúc Long tại Hồ Chí Minh trong 3 tháng qua, Masan dự kiến đặt mục tiêu 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18-24 tháng tiếp theo.

The CrownX và những bước hoạch định chiến lược tiếp theo

Thứ nhất – Những mảnh ghép chiến lược The Point of Life: Một trong những ưu tiên của The CrownX trong 12-18 tháng tới là đẩy nhanh các kế hoạch cộng hưởng như nhãn hàng riêng (private label), mô hình nhượng quyền (franchise) và phân tích dữ liệu người dùng để đưa ra các sản phẩm mới có tính đột phá. Những mảnh ghép chiến lược để hiện thực việc chuyển hóa The CrownX thành nền tảng Point of Life xuyên suốt từ online đến offline sẽ dần dần được hoàn thiện. Đó là điểm đến “tất cả trong một” (one-stop shop) phục vụ nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

The CrownX chính là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife) và dịch vụ tài chính (TCB) liên kết và hợp lực để tạo ra nền tảng kinh doanh thông suốt.

Hệ sinh thái của Masan không chỉ giúp nâng cao chất lượng và trải nghiệm khách hàng mà còn giúp khách hàng tiết kiệm được 5-10% cho các sản phẩm thiết yếu. 

Masan cho biết, hiện đã chuẩn bị mở thí điểm một vài chi nhánh ngân hàng nhỏ, cung cấp những dịch vụ tài chính quan trọng và cơ bản nhất để đánh giá mức độ tiếp nhận của khách hàng, mô hình vận hành và tài chính. 

Thứ hai – Sức mạnh hiệp lực VinCommerce và Lazada: Hai bên sẽ dành nguồn lực và ưu đãi đặc biệt để cùng xây dựng cửa hàng VinMart trên sàn LazMall lớn mạnh, đạt mục tiêu đóng góp ít nhất 5% vào tổng giá trị hàng hóa bán lẻ của VinCommerce ở tất cả các kênh sau 3 năm. Các nguồn lực và ưu đãi tới tập khách hàng của hai bên sẽ là duy nhất và không cung cấp cho các đối tác bán lẻ hoặc sàn thương mại điện tử khác. Ví dụ như việc ưu tiên hiển thị và quảng cáo shop VinMart trên LazMall.

Trong giai đoạn ngắn hạn, mục tiêu triển khai ngay là việc xử lý đơn hàng LazMall tại 10-15 siêu thị VinMart ở TP.HCM và Hà Nội với số lượng 1.000 đến 2.000 sản phẩm thiết yếu nhất. Trong đó đa số vẫn là thực phẩm tươi sống và đóng gói. Giai đoạn tiếp theo, sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng mạng lưới siêu thị bán hàng online, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch marketing và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng.

Ngoài kế hoạch trên, hai bên sẽ trao đổi cách thức hợp tác cho các phạm vi khác, bao gồm tận dụng mạng lưới cửa hàng của VinCommerce làm điểm nhận hàng cho các đơn hàng online, phân tích dữ liệu để tăng mức độ thấu hiểu khách hàng, và tận dụng hạ tầng logistics của hai bên để tối ưu hóa vận hàng và chi phí.  

Bằng mô hình “win – win” hướng đến nhà bán lẻ bán hàng hiệu quả hơn, người mua hàng có trải nghiệm tốt hơn. Vì vậy, sự hợp tác này sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người tiêu dùng với chi phí tiết kiệm nhờ giảm bớt các khâu trung gian trong mua sắm nhu yếu phẩm./.

Bạn cũng có thể thích