Liên tiếp thu giữ lượng lớn đồ chơi trẻ em không có dấu chứng nhận hợp quy

Nhiều tỉnh thành thu giữ đồ chơi nhập lậu không có dấu hợp quy

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, Đội Quản lý thị trường số 10 vừa tiến hành kiểm tra đột xuất 02 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Giang (Cua Party), địa chỉ tại 217 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn và hộ kinh doanh Nguyễn Đức Quâng (Khánh Ben), địa chỉ tại 531-533 Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 10 phát hiện cả 02 hộ kinh doanh đang kinh doanh nhiều loại đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất không có tem CR thể hiện phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em theo QCVN 3:2019/BKHCN ban hành kèm theo Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN ngày 30/9/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em, không đảm bảo điều kiện lưu hành theo quy định, không đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Còn theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, ngày 04/10/2023 đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Đỗ Văn Chung số tiền 8,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tịch thu 598 sản phẩm đồ chơi trẻ em vi phạm, không bảo đảm điều kiện lưu hành. 

Được biết trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp Công an TP Chí Linh tổ chức khám xe ô tô tải 34C-094.02 do ông Đỗ Văn Chung (địa chỉ ở thôn Phú Khê, xã Thái Học, Bình Giang) lái đồng thời là chủ hàng. Trên xe có nhiều loại đồ chơi trẻ em, trên bao bì không thể hiện thông tin về nguồn gốc nơi sản xuất, không có tem hợp quy, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

 Lượng lớn đồ chơi không có dấu chứng nhận hợp quy theo quy định bị thu giữ tại Cao Bằng. Ảnh: Cục QLTT Cao Bằng

Mới đây nhất vào ngày 24/11 tại tỉnh Cao Bằng, sau khi nhận được nguồn tin của quần chúng nhân dân cung cấp đã được thẩm tra, xác minh là có căn cứ vi phạm, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh văn phòng phẩm do bà HTMN, trú tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng là chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện tại cơ sở đang bày bán 245 bộ sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại, trên bao bì có chữ nước ngoài không có nhãn phụ bằng chữ Việt Nam, không có tem hợp quy CR. Tổng trị giá lô hàng gần 50 triệu đồng theo giá niêm yết ghi trên bao bì của từng loại hàng hóa. Đội QLTT số 1 tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại sao đồ chơi phải chứng nhận hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường?

Trên thị trường hiện có vô số loại đồ chơi trẻ em đến từ nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Bên cạnh các sản phẩm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng có không ít mặt hàng trôi nổi, có nguy cơ mất an toàn. Chính điều này cũng tạo nên sự khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cũng khó có thể nhận diện được đâu là sản phẩm đồ chơi trẻ em có chất lượng đảm bảo nếu không có căn cứ để đối chiếu.

Trước tình hình đó, Bộ KH&CN đã ban hành QCVN 3:2019/BKHCN quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em để quản lý về sản phẩm này.

Quy chuẩn quy định yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ, phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

QCVN 3:2019/BKHCN quy định chất lỏng có thể tiếp xúc trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.

Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Hàm lượng các amin thơm (bao gồm cả dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong quy chuẩn này.

QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác quy định tại các văn bản có liên quan. Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V. Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa rủi ro về điện…

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích