Liên tiếp nhiều ca nguy kịch vì ngộ độc rượu: Chỉ đạo khẩn của Bộ Y tế

Mới đây, trước thông tin về việc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận liên tiếp 5 trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol (4 ca ở Thường Tín, Hà Nội và 1 ca ở Thái Nguyên) cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công thương dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc. Đồng thời tập trung truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên và Sở Y tế Hà Nội phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong 5 bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Trung tâm thì 4 ca ở Thường Tín nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nguy cơ tổn thương não.
Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống có nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Trường hợp còn lại là nam bệnh nhân ở Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng hôn mê, đang phải thở máy, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, lượng cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao. Loại rượu bệnh nhân này uống nghi ngờ cùng nguồn với 4 bệnh nhân nêu trên.
ThS. BS Vũ Hoàng Huy – Bác sĩ Cấp Cứu, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City cho biết, methanol, còn được gọi là cồn gỗ là dung môi hữu cơ được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm như dung dịch phun kính ô tô, chất tẩy rửa, nhiên liệu các lò đốt,… Ngộ độc methanol vẫn là vấn đề phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới đang phát triển, đặc biệt là ở các thành viên thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp hơn. Điều trị ngộ độc cấp methanol cần phải được tiến hành sớm, đúng phương pháp mới có thể cứu sống bệnh nhân và hạn chế biến chứng.
Bệnh nhân ngộ độc rượu đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc.
Methanol hấp thu nhanh sau khi uống, thời gian hấp thu trung bình là 5 phút tùy thuộc sự có mặt thức ăn hay không, nồng độ đỉnh đạt được sau 30-60 phút. Methanol hấp thu tương đối tốt qua da. Methanol hấp thu tốt ở đường hô hấp vì nó tan trong nước và hấp phụ một phần bởi chất nhầy đường hô hấp, ước tính hấp thu qua phổi khoảng 65-75%20.
Methanol tan trong nước, thể tích phân bố khoảng 0,6-0,7 l/kg, không gắn protein huyết tương, thời gian bán thải trung bình là 14-30 giờ, nếu uống cùng ethanol thời gian này là 43-96 giờ. Methanol vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp, qua da, hoặc trực tiếp qua đường tĩnh mạch, trải qua quá trình hấp thu nhanh sau đó tới tất cả các tạng và mô.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, cách phòng tránh nhiễm độc và ngộ độc methanol, các cơ quan quản lý: có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, tránh rơi vào tay kẻ xấu để tạo ra các sản phẩm rởm, không an toàn. Tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động. Các sản phẩm chứa methanol cần phải có nhãn mác cảnh báo rõ ràng về tên gọi, thành phần cụ thể, tác hại với sức khỏe, biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn khi sử dụng và các sơ cấp cứu.
Người sử dụng các sản phẩm methanol:
+ Tuân theo đúng hướng dẫn sử dụng và bảo quản an toàn, đảm bảo điều kiện lao động sản xuất an toàn.
+ Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Tất cả các loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol. Người sử dụng có thể đi găng nhựa/cao su kín ngăn methanol hấp thu qua da nhưng vẫn có thể hít phải methanol qua đường hô hấp. Trong môi trường không khí nhiễm methanol mức độ nguy cơ ảnh hưởng sử khỏe, chỉ có trang phục phòng hộ (quần áo liền mũ, găng và giầy/ủng) kín hoàn toàn kết hợp hệ thống cung cấp dưỡng khí độc lập bao gồm mặt nạ phòng độc kín được kết nối với nguồn dưỡng khí bơm từ bên ngoài mới có thể đảm bảo an toàn cho người lao động.
Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay luôn cảnh giác với tất cả các loại cồn, sản phẩm được cho là ethanol hoặc gắn nhãn mác là ethanol, vì các sản phẩm này rất dễ có nguy cơ bị làm giả và có chứa methanol.
Thanh Hiền (t/h)