Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Huyện Định Quán mắc mớ gì mà chưa báo cáo?
Dù ngày 20/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn số 11911, “Giao Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì phối hợp cùng UBND các huyện Trảng Bom, Định Quán, Vĩnh Cửu và các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị nêu trên của Báo Lao động Thủ đô, khảo sát hiện trạng, rà soát nguồn gốc đất để có Văn bản phúc đáp đến Báo Lao động Thủ đô được rõ. Kết quả thực hiện, Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/9/2024”, nhưng đến nay theo Sở TN&MT Đồng Nai còn một huyện chưa báo cáo sự việc liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An” mà Báo Lao động Thủ đô đã thông tin.
Ngày 11/10, đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, nhằm cung cấp một số thông tin liên quan đến các trường hợp vi phạm mà báo đề cập.
Đảo cao Minh bị người dân lấn chiếm làm du lịch nghỉ dưỡng. |
Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi tỉnh Uỷ tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai có công văn chỉ đạo, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương tiến hành đi thực tế, rà soát các trường hợp mà báo phản ánh để xử lý theo quy định. Đồng thời yêu cầu các địa phương cũng như Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai báo cáo sự việc nhưng đến nay còn UBND huyện Định Quán chưa báo cáo. Do vậy, Sở TN&MT không thể báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai kết quả trước ngày 30/9/2024 như nội dung công văn 11911 yêu cầu. Hiện Sở đang làm công văn nhắc lại để địa phương này báo cáo nhằm tổng hợp cung cấp thông tin cho Báo Lao động Thủ đô.
Một hộ dân tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai lấn chiếm đất lòng hồ Trị An để làm ao, xây dựng các công trình dân dụng. |
Trước đó, vào các ngày 8/8, 12/8 và 15/8/2024, Báo Lao động Thủ đô đã khởi đăng 3 bài phản ánh việc: Hồ Trị An thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới; được UNESCO công nhận là Khu dữ trữ sinh quyển thế giới vào năm 2011. Hồ Trị An nằm trên địa bàn 4 huyện gồm Vĩnh Cửu, Định Quán, Trảng Bom và Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, ngoài chức năng thủy điện, bảo tồn, hồ Trị An còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhiều tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ.
Với tầm quan trọng vô cùng lớn như đã nói ở trên, thay vì được quản lý nghiêm ngặt, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm thì tại hồ Trị An hiện nay lại diễn ra tình trạng lấn chiếm, phá đảo để làm du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng các công trình dân dụng có dấu hiệu trái pháp luật. Đặc biệt, hai cán bộ của Khu bảo tồn bị người dân phản ánh đã có hành vi đốn hạ cây xanh trên đảo, san lấp một khu đất trong lòng hồ với diện tích hàng nghìn m2 nhằm làm “của riêng”. Song song đó là tình trạng nuôi và đánh bắt thủy sản gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Một công trình lấn chiếm đất lòng hồ Trị An thuộc xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. |
Ngay sau khi Báo Lao động Thủ đô thông tin, ngày 23/8 ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai đã có công văn số 7909-CV/TU yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xử lý.
Cụ thể, công văn của Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai nêu rõ: “Liên quan đến loạt bài xâm phạm hồ Trị An, có hay không việc cán bộ Khu bảo tồn đốt cây, chiếm đảo, phản ánh tình trạng nhiều đảo nằm trong lòng hồ Trị An bị lấn chiếm, xây dựng các công trình làm du lịch nghỉ dưỡng. Về vấn đền này, Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp cận thông tin báo đăng, có giải pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy”.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc quyết liệt, vậy UBND huyện Định Quán “mắc mớ” gì vẫn chưa báo cáo? Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này khi có thông tin mới.
Nguồn: Báo lao động thủ đô