Liên minh châu Âu nghiên cứu chặn tia Mặt Trời để chống biến đổi khí hậu
Liên minh châu Âu nghiên cứu chặn tia Mặt Trời để chống biến đổi khí hậu
Theo một báo cáo, Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét việc ngăn chặn các tia từ mặt trời như một lựa chọn khả thi để chống biến đổi khí hậu.
Theo Bloomberg đưa tin, ngày 28/6, EU dự định công bố một khung để đánh giá các tác động an ninh mà biến đổi khí hậu có thể gây ra, trong đó có một nghiên cứu về những nguy cơ có thể xảy ra nếu can thiệp vào bầu khí quyển.
Theo tài liệu, những công nghệ này gây ra những rủi ro mới cho con người và hệ sinh thái, đồng thời cũng có thể làm gia tăng tình trạng mất cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, gây ra xung đột và làm nảy sinh vô số vấn đề về đạo đức, pháp lý, quản trị và chính trị.
Geoengineering là thuật ngữ mới để chỉ những ý tưởng làm mát Trái Đất bằng các kỹ thuật tác động trực tiếp lên Trái Đất nhằm chống biến đổi khí hậu.
Bắt tay vào nghiên cứu này đang đẩy EU vào cuộc tranh luận về việc geoengineering có phải là biện pháp khoa học tốt hay chỉ là mang tính chất khoa học viễn tưởng và gây ra những tác động nguy hiểm tiềm ẩn đối với hành tinh và bầu khí quyển Trái Đất. EU muốn có các thảo luận quốc tế về thiết lập các quy tắc cho lĩnh vực mới này.
Tài liệu cho biết: “EU sẽ hỗ trợ các nỗ lực quốc tế nhằm đánh giá toàn diện các rủi ro và tính bấp bênh của các biện pháp can thiệp khí hậu, trong đó có cả việc điều chỉnh bức xạ Mặt Trời”.
Những biện pháp can thiệp quy mô lớn như vậy đã xuất hiện cùng với những tiến bộ khoa học và trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng các quốc gia sẽ không thể đạt mục tiêu hạn chế Trái Đất ấm lên chỉ ở mức 1,5 độ C.
Các biện pháp can thiệp tiềm năng có thể gồm phun sol khí vào tầng bình lưu, trong đó tăng nồng độ các hạt trong khí quyển để giảm lượng của ánh sáng Mặt Trời rọi đến bề mặt Trái Đất.
Một số người cho rằng những nỗ lực này sẽ chỉ khiến con người không chú ý tới việc giải quyết nguyên nhân chính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu: khí thải gia tăng. Tồi tệ nhất, những can thiệp lớn này có thể gây những tác dụng phụ không lường trước được, chẳng hạn như làm thay đổi các hình thái mưa quan trọng.
Một số nhà khoa học đã kêu gọi đưa ra một thỏa thuận quốc tế về không sử dụng các giải pháp như vậy.
EU chuẩn bị công bố tài liệu nói trên trong bối cảnh nhiệt độ của châu Âu trong năm 2022 đã cao hơn khoảng 2,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Đây là kết luận mới được đưa ra trong báo cáo Tình trạng Khí hậu ở châu Âu năm 2022 do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus thực hiện, công bố ngày 19/6.
Nhiệt độ tăng cao, hạn hán làm khô héo cây trồng, nhiệt độ mặt nước biển ở mức kỷ lục và sông băng tan chảy với tốc độ chưa từng thấy là một số trong những tác động rõ rệt nhất được nêu trong báo cáo. Báo cáo nhấn mạnh mức tăng nhiệt độ 2,3 độ C của châu Âu đã vượt xa mục tiêu giới hạn mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo các nhà khoa học, mức tăng 1,5 độ C này là mức lý tưởng nhất để có thể ngăn ngừa các hệ lụy nghiêm trọng liên quan quá trình biến đổi khí hậu.
Trong 4 thập kỷ qua, tốc độ ấm lên của châu Âu ở mức gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Theo báo cáo, các nước Ireland, Anh, Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ đều trải qua năm 2022 là năm nắng nóng kỷ lục. Năm 2022, cháy rừng tại châu Âu lây lan trên diện rộng khiến diện tích thiệt hại ở mức cao thứ 2 trong lịch sử. Lượng băng tan ở các sông băng của dãy Alps cũng chạm ngưỡng kỷ lục do lượng tuyết rơi mùa Đông quá ít ỏi, trong khi nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên khắp khu vực Bắc Đại Tây Dương cũng ở mức cao nhất, một phần do tác động của El Niño. Các sự kiện thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại khoảng 1,8 tỷ euro cho châu lục này.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị