Liên kết tiêu thụ lúa theo mô hình cánh đồng lớn có mã vùng trồng
Đến thời điểm này, một số địa phương như: Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Giang Thành, Gò Quao, Hòn Đất và Rạch Giá đã xuống giống khoảng 125.000 ha, đạt hơn 45% kế hoạch. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, vụ lúa Hè Thu, tỉnh chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, nhất là theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thân thiện với môi trường và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm theo mô hình cánh đồng lớn có mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cùng với các ngành chức năng tỉnh, đơn vị có liên quan tăng cường quản lý chất lượng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ nhu cầu sản xuất đạt kết quả; đồng thời, duy trì tỷ lệ diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trên 90% tổng diện tích gieo trồng; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc… khuyến khích nông dân đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn, hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản hiệu quả. Trên cơ sở dự báo tình hình khí tượng thủy văn, điều kiện sản xuất từng vùng, tiểu vùng và rầy nâu di trú, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng khung lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân chia làm 4 đợt xuống giống, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cày, bừa hoặc trục đất, vệ sinh đồng ruộng, cần có thời gian giãn cách giữa vụ lúa Đông Xuân vừa thu hoạch và vụ Hè Thu ít nhất 20 ngày, nhằm hạn chế thấp nhất nguồn bệnh lay lan; sử dụng các giống lúa cấp xác nhận hoặc tương đương có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng cao và gieo sạ thưa, từ 80 – 100 kg/ha; áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp – IPM, quy trình canh tác 3 giảm – 3 tăng, 1 phải – 5 giảm, sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
Tiếp đến, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch sản xuất vụ lúa Hè Thu phù hợp với tiểu vùng sinh thái, “gieo sạ tập trung” trên từng cánh đồng theo kế hoạch chung của tỉnh; đồng thời, chủ động các biện pháp ứng phó thiệt hại do thiếu nước đầu vụ và mưa, bão giai đoạn cuối vụ; nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP… và các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản hiệu quả, nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 16/1/2024 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Mặt khác, các địa phương tăng cường tổ chức mời gọi các công ty, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lương thực trong và ngoài tỉnh tiếp tục đồng hành, kết hợp với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ ngày càng mở rộng quy mô về diện tích và liên kết ngày càng bền vững, hiệu quả.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu