Liên Hợp Quốc lên kế hoạch xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai
Liên Hợp Quốc lên kế hoạch xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai
Liên Hợp Quốc đã công bố kế hoạch về các hệ thống cảnh báo sớm chống lại thảm họa khí hậu cho tất cả mọi người trên trái đất, có khả năng ngăn chặn cái chết và sự hủy diệt ở các nước đang phát triển
Liên Hợp Quốc (LHQ) mới đây đã công bố kế hoạch 5 năm xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm có quy mô toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa tính mạng con người và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP27), Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết “Kế hoạch hành động” có kinh phí xây dựng ở mức khoảng 3,1 tỷ USD.
Ông Guterres nói: “Người dân ở Châu Phi, Nam Á, Nam và Trung Mỹ, và cư dân của các đảo quốc nhỏ có nguy cơ tử vong vì thảm họa khí hậu cao gấp 15 lần. Những thảm họa này khiến số người phải di dời gấp ba lần so với chiến tranh. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Theo ông, với tốn phí chưa tới 50 cent/người, đây là mức chi phí rất thấp cho những phương pháp đã được chứng minh có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng.
Tổng Thư ký Guterres nêu rõ ông kêu gọi thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm để trong vòng 5 năm mỗi người dân trên Trái Đất đều được bảo vệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất.
Hệ thống cảnh báo sớm cho phép cộng đồng chuẩn bị cho các sự kiện nguy hiểm liên quan đến khí hậu. Họ làm như vậy bằng cách thông báo các cảnh báo và rủi ro cho mọi người, tạo ra các quan sát và dự báo, đồng thời giúp các cơ quan chức năng lập kế hoạch và ứng phó.
Báo cáo khoa học cho thấy ngay cả khi các hình thái thời tiết đang trở nên khó lường và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu hiện nay, vẫn còn tới 50% số quốc gia trên thế giới thiếu các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến.
Theo Liên hợp quốc, tại các quốc gia thiếu thốn cơ sở hạ tầng, tỷ lệ tử vong do thiên tai cao hơn 8 lần so với các quốc gia được trang bị đầy đủ. Hệ thống cảnh báo sớm được ứng dụng để dự báo lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, lốc xoáy hoặc các thảm họa khác, qua đó các chính phủ có thể lập kế hoạch giảm thiểu những tác động bất lợi của hiện tượng tự nhiên.
Trong khi đó, Ủy ban toàn cầu về thích ứng đánh giá rằng chỉ cần chi 800 triệu USD cho các hệ thống cảnh báo sớm ở các nước đang phát triển là có thể giảm thiểu thiệt hại do thiên tai từ 3-16 tỷ USD mỗi năm.
Sáng kiến mới được xây dựng dựa trên những nỗ lực trong quá khứ của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và các cơ quan dự báo thời tiết ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và Úc đã tài trợ cho việc nâng cấp radar thời tiết và đào tạo chuyên gia khí tượng ở những nơi có dự báo thời tiết quốc gia kém hiệu quả hơn. Điều đó bao gồm một dự án kéo dài nhiều năm nhằm nâng cấp cảnh báo lũ quét ở hơn 50 quốc gia.
Một số dự án trước đây đã gặp khó khăn vì không đủ tiền và hỗ trợ kỹ thuật để sửa chữa và bảo dưỡng radar thời tiết, máy tính và các thiết bị khác – điều mà WMO cho biết họ hy vọng sẽ tránh được với sáng kiến mới.
Petteri Taalas, tổng thư ký của WMO, cho biết: “Những cảnh báo sớm sẽ cứu mạng người và mang lại những lợi ích kinh tế to lớn. Chỉ cần thông báo trước 24 giờ về một sự kiện nguy hiểm sắp xảy ra có thể cắt giảm 30% thiệt hại tiếp theo”.
Người phát ngôn của WMO cho biết sẽ cần nhiều tiền hơn để duy trì hệ thống cảnh báo lâu dài hơn.
Hải Sơn (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị