LHQ kêu gọi ngừng lãng phí thực phẩm để cứu đói cho hàng triệu người
LHQ kêu gọi ngừng lãng phí thực phẩm để cứu đói cho hàng triệu người
Việc giảm một nửa số lương thực, thực phẩm bị lãng phí có thể giúp giảm khí thải gây biến đổi khí hậu và chấm dứt tình trạng thiếu lương thực cho 153 triệu người trên toàn cầu.
Đây là đánh giá trong báo cáo chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố mới đây.
Theo báo cáo, khoảng 1/3 số lương thực, thực phẩm sản xuất cho con người đã bị thất thoát hoặc lãng phí trên toàn cầu, dẫn đến phát thải vô ích và giảm lượng lương thực cung cấp cho những người có nhu cầu.
Báo cáo cảnh báo đến năm 2033, số calo bị thất thoát và lãng phí trong quá trình vận chuyển nông sản từ trang trại đến cửa hàng và các hộ gia đình có thể gấp 2 lần số calo được tiêu thụ hiện nay ở các nước thu nhập thấp trong 1 năm.
Báo cáo chỉ ra rằng việc giảm một nửa số lương thực và thực phẩm thất thoát và lãng phí trong quá trình này có khả năng giảm 4% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp trên toàn cầu và đến năm 2030 sẽ giúp 153 triệu người thoát khỏi cảnh thiếu ăn. Mục tiêu này đòi hỏi sự thay đổi đáng kể từ cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Nông nghiệp, lâm nghiệp và việc sử dụng đất cho mục đích khác chiếm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Các nước thành viên Liên hợp quốc cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 50% lượng lương thực bị lãng phí theo đầu người, như một phần trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hiện không có mục tiêu toàn cầu về giảm thất thoát lương thực trong chuỗi cung ứng sản xuất.
Từ năm 2021 đến 2023, trái cây và rau củ chiếm hơn một nửa lương thực, thực phẩm bị thất thoát và lãng phí do tính chất dễ hỏng và thời gian bảo quản tương đối ngắn. Tiếp đó là ngũ cốc chiếm hơn 25%. FAO ước tính khoảng 600 triệu người sẽ thiếu lương thực vào năm 2030.
Báo cáo nhấn mạnh các biện pháp giảm thất thoát và lãng phí lương thực có thể tăng đáng kể tỷ lệ tiêu thụ lương thực trên toàn thế giới, trong bối cảnh nguồn cung lương thực sẽ tăng lên và giá giảm đi, đảm bảo những người thu nhập thấp tiếp cận lương thực tốt hơn.
Cụ thể, việc giảm một nửa thất thoát và lãng phí lương thực vào năm 2030 có thể tăng 10% tỷ lệ tiêu thụ lương thực đối với các nước thu nhập thấp, 6% ở các nước thu nhập trung bình và 4% ở các nước thu nhập trung bình cao.
Khoảng 66,7 triệu người trong Khu vực Sừng châu Phi cần hỗ trợ nhân đạo
Ngày 4/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cũng cho biết Khu vực Sừng châu Phi cần khoảng 9,8 tỷ USD để hỗ trợ nhân đạo.
Văn phòng này xác định Ethiopia, Sudan, Nam Sudan và Somalia là những quốc gia có nhu cầu tài trợ lớn nhất, lần lượt là 3,24 tỷ USD, 2,7 tỷ USD, 1,79 tỷ USD và 1,6 tỷ USD. Các quốc gia khác là Kenya cần 451,8 triệu USD và Burundi cần 56 triệu USD.
Theo OCHA, Sudan có số lượng người cần hỗ trợ nhân đạo lớn nhất với 24,8 triệu người, tiếp theo là Ethiopia với 21,4 triệu, Nam Sudan với 9 triệu, Somalia với 6,9 triệu, Kenya với 6,4 triệu và Burundi với 600.000 người.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) cho biết khoảng 66,7 triệu người trong khu vực đang bị mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ nhân đạo.
Hai tổ chức này nhấn mạnh rằng lũ lụt trầm trọng hơn do ảnh hưởng kéo dài của những đợt hạn hán trước đó, là một trong những nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực ở Khu vực Sừng lớn châu Phi.
Ngoài ra, các vấn đề khác như xung đột, giá cả leo thang, dịch bệnh bùng phát, không có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và nước sạch, tiếp tục là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng của người dân ở Đông Phi thêm trầm trọng.
FAO và IGAD hôm 3/7 đánh giá: “Lạm phát làm trầm trọng thêm tình hình, với việc tăng giá lương thực, khiến những người dân dễ bị tổn thương gặp khó khăn hơn trong việc mua các nhu yếu phẩm cơ bản”.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị