Lệnh cấm dầu thô của EU với Nga sắp có hiệu lực khiến thị trường chở dầu trở nên hỗn loạn
Lệnh cấm dầu thô của EU với Nga sắp có hiệu lực khiến thị trường chở dầu trở nên hỗn loạn
Lệnh cấm của EU dẫn đến sự bất ổn trên thị trường tàu chở dầu và một số nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu tàu chở dầu sẽ khiến giá dầu đẩy lên cao
Vài tuần trước khi lệnh cấm vận của EU đối với xuất khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực cũng như nguy cơ giới hạn giá dầu của Moskva từ các nước phương Tây, các tàu chở dầu và thị trường dầu toàn cầu phải đối mặt với sự không chắc chắn về việc ai sẽ vận chuyển dầu của Nga và bằng cách nào kể từ ngày 5/12 tới.
Vào tháng 9, Nga đã xuất khẩu 7,5 triệu thùng/ngày các sản phẩm thô và tinh chế, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Nếu khối lượng đó tiếp tục chảy vào thị trường, Nga sẽ phải đồng ý bán dầu của mình bằng hoặc thấp hơn giới hạn giá như nhóm G7 và EU áp đặt hoặc tìm một đội tàu chở dầu, công ty bảo hiểm và tài chính đủ lớn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Moskva.
Các quan chức hàng đầu của Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Alexander Novak, tuyên bố rằng Moskva sẽ không bán dầu của mình cho các quốc gia sẽ tham gia cơ chế giới hạn giá.
Vì vậy, thị trường tàu chở dầu và thị trường dầu mỏ đang bị treo và câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có một đội tàu chở dầu thay thế đủ lớn để vận chuyển dầu của Nga cho những người mua sẵn sàng nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Moskva, sau khi lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của EU có hiệu lực vào ngày 5/12 và lệnh cấm các sản phẩm dầu bắt đầu vào ngày 5/2/2023 hay không.
Nhiều nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu tàu chở dầu sẽ đẩy giá thuê tàu và tiếp đó là giá dầu cao hơn. Một số khác thì lưu ý trong những tuần gần đây có sự tăng cường mua tàu từ các thực thể không xác định để chuẩn bị cho những gì họ cho là Nga đang áp dụng các chiến thuật xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela, những nước vẫn xuất khẩu dầu thô của họ trong nhiều năm nay mặc dù bị Mỹ trừng phạt.
Christian Ingerslev, Giám đốc điều hành của Maersk Tankers A/S ở Copenhagen nói với Bloomberg: “Nếu nhìn vào số lượng tàu đã được bán trong sáu tháng qua cho những người mua không được tiết lộ, rõ ràng là một đội tàu đang được hình thành để vận chuyển loại hàng hóa này”, đề cập về những nỗ lực của Nga trong việc xây dựng một đội tàu chở dầu và các hãng bảo hiểm.
Về phần mình, Anoop Singh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại công ty môi giới tàu biển Braemar nhận định: “Giao dịch tàu chở dầu đã tăng kể từ sau xung đột Nga – Ukraine và mạnh hơn khi sắp tới hạn chót là ngày 5/12 bởi các đơn vị không được tiết lộ có trụ sở tại Dubai, Hong Kong, Singapore và Cyprus”.
Theo hãng tin Reuters, để đảm bảo nhiều dầu của mình được chảy đến những người mua ngoài phạm vi giới hạn giá của G7, Nga đang mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê tàu chở dầu của mình. Tập đoàn nhà nước Rosneft, nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Nga, được cho là đã mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê tàu chở dầu để giảm bớt giá cho người mua.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn đang bối rối về việc giới hạn giá dầu của Nga sẽ được áp dụng như thế nào. Russell Hardy, Giám đốc điều hành của Vitol, phát biểu: “Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các chính phủ và các cơ quan liên quan hướng dẫn chúng tôi vì nó hơi giống một bãi mìn”.
Gần đây, một quan chức Bộ tài chính Mỹ và các đại diện trong ngành dầu mỏ đã thừa nhận với Reuters rằng Nga phần lớn có thể tránh được giới hạn giá vì nước này có khả năng tiếp cận đủ tàu chở dầu và các dịch vụ vận tải và bảo hiểm để vận chuyển dầu của mình.
Hải Sơn (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị