Lễ hội Lam Kinh: Hào khí Lam Sơn, muôn đời tỏa sáng

(Xây dựng) – Nhân dịp kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm ngày mất Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và 10 năm Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, sáng 18/9 (tức ngày 22/8 năm Nhâm Dần), tại sân rồng chính điện Lam Kinh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2022.

le hoi lam kinh hao khi lam son muon doi toa sang
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh trống khai mạc lễ hội.

Buổi lễ được mở đầu với nghi thức rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và Kiệu Trung Túc Vương Lê Lai, từ Đền thờ Vua Lê về Đền Trung Túc Vương Lê Lai rồi về sân điện Lam Kinh, tiếp theo là lễ dâng hương kính cáo Đức Thái tổ Cao Hoàng đế.

Tiếp nối sau phần rước kiệu và dâng hương theo nghi thức truyền thống là phần đọc chúc văn, tưởng nhớ và ca ngợi công đức của Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến 10 năm gian khổ, lật đổ ách đô hộ của nhà Minh, giành lại độc lập, tự chủ cho giang sơn Đại Việt.

le hoi lam kinh hao khi lam son muon doi toa sang
Nghi thức tế lễ, dâng hương tại sân rồng chính điện.

Kết thúc phần lễ, du khách thập phương và các đại biểu tham dự lễ hội đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật sân khấu hóa mang chủ đề “Hào khí Lam Sơn, tỏa sáng trường tồn” gồm 3 chương: Chương 1: Hào khí lam Sơn – Anh hùng tụ nghĩa; chương 2: Bình định Vương đăng quang Hoàng đế; chương 3: Tiếp bước cha ông, Thanh Hóa trên đường đổi mới và phát triển. Theo đó, màn nghệ thuật sân khấu hóa đã làm sống lại những sự kiện quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn qua 10 năm “Nếm mật nằm gai” như: “Hội thề Lũng Nhai”; “Lê Lai liều mình cứu chúa”; “Giải phóng Thành Đông Quan”; “Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế”, chính thức xác lập Vương triều nhà Lê. Sự kiện Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đã mở ra một giai đoạn mới cho non sông Đại Việt, với muôn dân được sống trong cảnh “thái bình thịnh trị, thiên hạ âu ca” như lời của một bài đồng giao còn lưu truyền cho đến ngày nay “Đời Vua Thái Tổ, Thái Tông/Con dắt, con bồng, con bế, con mang/ Bò đen húc lẫn bò vàng/ Hai con húc chắc lăn quàng xuống sông”.

le hoi lam kinh hao khi lam son muon doi toa sang
le hoi lam kinh hao khi lam son muon doi toa sang
Chương trình nghệ thuật tái hiện quá trình cuộc khởi nghĩa.

Bên cạnh chương trình nghệ thuật đặc sắc kéo dài hơn 60 phút, với sự tham gia của đông đảo nghệ sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên, du khách về lễ hội còn được hòa mình trong các trò chơi, trò diễn, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, được trình diễn bởi các nghệ sỹ, nghệ nhân như: Trò Xuân Phả, múa đèn và hát dân ca Đông anh, diễn tấu cồng chiêng Ngọc lặc, múa Bát dân tộc Dao, khua luống dân tộc Thái …

Các tiết mục trên cùng chương trình nghệ thuật đã góp phần giới thiệu với công chúng sự phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc của kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử. Theo Ban tổ chức, lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 16-18/9 (tức ngày 21-23/8 Âm lịch). Các hoạt động sẽ diễn ra tại lễ hội: Lễ dâng hương, tế lễ được thực hiện tại Đền thờ Đức Vua Lê Thái tổ, khu lăng mộ, các Tòa Thái Miếu (huyện thọ Xuân), Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), Thái miếu nhà Hậu Lê, tượng đài Lê Lợi (thành phố Thanh Hóa), lễ dâng hương và giỗ Bà Hàng dầu (người đã có công phò Vua, giúp nước) trên đỉnh núi Lam Sơn…

le hoi lam kinh hao khi lam son muon doi toa sang
Các PV tác nghiệp tại lễ hội.
le hoi lam kinh hao khi lam son muon doi toa sang
Dòng người nườm nượp về lễ hội.

Ngoài mục đích tri ân, tưởng nhớ Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn, Lễ hội Lam Kinh còn giới thiệu, quảng bá với du khách thập phương và bạn bè quốc tế về nét đẹp, truyền thống văn hóa của đất và người xứ Thanh, giá trị của khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh; cùng với những tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế, du lịch và sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội của Thanh Hóa trong những năm qua.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích