Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024: Thu hút khoảng 870.000 lượt khách đếm tham quan, trải nghiệm
(Xây dựng) – Sau 5 ngày diễn ra (từ ngày 17- 21/4), Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024 đã bế mạc. Ban tổ chức cho biết qua 5 ngày diễn ra Lễ hội và cùng các hoạt động văn hóa, thể thao và du trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã thu hút khoảng 870.000 lượt khách đếm tham quan, trải nghiệm tại Lễ hội.
Bà Đào Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ phát biểu tại Lễ Bế mạc. |
Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024 diễn ra từ ngày 17- 21/4, tại Quảng trường quận Bình Thuỷ, Thành phố Cần Thơ. Lễ hội đã thu hút khoảng 200 gian hàng từ các tỉnh/thành, quận/huyện tham gia Hội thi làm bánh; Khu Bánh dân gian; Khu Đặc sản vùng miền; Khu Ẩm thực. Thu hút được sự tham gia của 12 tỉnh, thành và 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ tham gia; đã mang đến cho cho người dân và du khách gần xa nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn khi thưởng thức các loại bánh đến từ các địa phương, vùng miền trong cả nước. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng cho các loại bánh dân gian truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ.
Ban tổ chức trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho 22 đoàn nghệ nhân. |
Tại Lễ hội, đã diễn ra Hội thi bánh dân gian và Chương trình biểu diễn cách làm các loại bánh dân gian. Đến với Hội thi Bánh dân gian năm 2024, có 36 đơn vị, với 125 thí sinh dự thi 56 món bánh dân gian các loại, đến từ các tỉnh, thành: Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ. Các thí sinh dự thi với sự tâm huyết, nhiệt tình, đầy tính thẩm mỹ và sáng tạo, nhằm đưa ra sản phẩm bánh dân gian khéo và đẹp mắt. Có một số đơn vị làm bánh đạt chất lượng cao như: Bánh tét (Ninh Kiều), Bánh xèo (Cờ Đỏ); Bánh dưa hồng (Thành phố Hồ Chí Minh)… và nhiều đơn vị khác.
Chiếc bánh xèo khổng lồ đường kính 3m. |
Để tạo điểm nhấn tại Lễ hội, Ban tổ chức trưng bày và biểu diễn không gian giới thiệu Làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng – Thốt Nốt (Di sản văn hóa phi vật thế); đặc biệt thực hiện chiếc bánh xèo Nam bộ khổng lồ đường kính 3m do Nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Hồng Dung chỉ huy cùng 14 nghệ nhân quãng diễn để phục vụ miễn phí khách tham quan Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2024.
Ban Tổ chức trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho 22 đoàn nghệ nhân đến từ 13 tỉnh, thành và 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ đã tích cực tham gia, góp phần thành công Lễ hội và Hội thi làm bánh dân gian. (đồng thời Ban tổ chức đã đề nghị thành phố xét tặng Bằng khen UBND Thành phố Cần Thơ cho 01 đơn vị trường có nhiều thí sinh là học sinh tham gia hội thi, đây cũng là một trong những công tác tuyên truyền và bảo tồn để phát huy chiếc Bánh dân gian của Nam bộ trong trường học tại Thành phố Cần Thơ). Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đã chọn ra 16 cá nhân xuất sắc đạt Giải A, 27 cá nhân xuất sắc đạt Giải B, 7 cá nhân xuất sắc đạt giải nội dung gồm: Phong cách; Trang trí đẹp; Thuyết trình hay; Chất lượng; Sáng tạo.
Bánh bò da lợn – Món bánh mới của nghệ nhân Nguyễn Thị Tha, quận Ô Môn dự Hội thi Bánh dân gian Nam bộ 2024. |
Tại lễ Bế mạc, bà Đào Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ đúc kết: “Lễ hội được xem là nơi tinh hoa hội tụ về ẩm thực, quy tụ rất nhiều nghệ nhân đến từ khắp mọi miền đất nước nhằm giữ gìn, bảo tồn, phát huy và hơn nữa là sáng tạo để làm mới, từng bước tạo cho bánh dân gian một diện mạo và chỗ đứng, hình thành thương hiệu độc đáo, đậm bản sắc dân tộc cho bánh dân gian nói chung, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam và giá trị bánh dân gian Nam bộ nói riêng.
Đông đúc người đến tham quan trải nghiệm Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2024. |
Hội thi Bánh dân gian Nam bộ năm 2024, là một trong những hoạt động điểm nhấn, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được thưởng thức, tham gia các hoạt động làm bánh, có cơ hội tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Nam bộ và các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, tạo sân chơi cho các nghệ nhân, và truyền nhân được giao lưu, học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm cách chế biến các loại bánh; nâng cao kỹ năng tay nghề, đảm bảo chất lượng trong chế biến cũng như giá trị thẩm mỹ trong cách thức trình bày; Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và nghệ nhân làm Bánh dân gian có cơ hội quảng bá sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường; Từng bước xây dựng thương hiệu bánh dân gian nói chung và Nam bộ nói riêng trở thành thương hiệu quốc gia, nhằm giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.
Nhiều du khách mua bánh dân gian Nam bộ. |
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự tiến bộ của xã hội, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực thuyền thống của người dân cả nước nói chung và vùng Nam bộ nói riêng là rất cần thiết; nhằm tôn vinh quá trình lao động sáng tạo của nghệ nhân và những truyền nhân làm bánh dân gian, tạo điều kiện hỗ trợ người dân liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy ngành chế biến, sản xuất bánh dân gian trở thành đặc sản Nam bộ, tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ gạo, nếp và các loại rau củ quả; Các loại Bánh dân gian được chế biến với hình thức thiết kế bao bì hấp dẫn, mẫu mã đẹp; thể hiện đặc trưng của địa phương, vùng, miền, dân tộc; góp phần xây dựng thương hiệu, thúc đẩy du lịch thành phố Cần Thơ ngày càng phát triển”.
Nguồn: Báo xây dựng