Lấy ý kiến về Bộ luật Lao động sửa đổi đến ngày 28-6-2019

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung được điều chỉnh.

Điểm mới nhất trong dự thảo luật này là lần đầu tiên bổ sung các quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao độngViệt Nam.

Lấy ý kiến về Bộ luật Lao động sửa đổi đến ngày 28-6-2019 - ảnh 1
Dự thảo bộ luật đưa ra các tiêu chí lựa chọn người đứng đầu công đoàn cơ sở.

Theo đó, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

 Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gửi hồ sơ đăng ký theo quy của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích hoặc đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hoạt động hoặc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở chấm dứt sự tồn tại trong các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức đại diện người lao động.

Thành viên ban lãnh đạo được bầu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là người lao động Việt Nam đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động.

“Thành viên ban lãnh đạo được bầu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là người không trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự…”, quy định dự thảo nêu rõ.

Dự thảo cũng duy định, tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể với người sử dụng lao động, đối thoại, tham vấn tại nơi làm việc theo quy định. Tham gia ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, được tham khảo ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là đoàn viên của mình.

“Đại diện cho người lao động được tổ chức và lãnh đạo đình công. Đồng thời, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu về pháp luật lao động, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện của người lao động, tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được thành lập…”, dự thảo quy định.

Được biết, quy định trên nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến 28-6. Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.

 

 

 

Theo VIẾT LONG

PLO

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích