Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS tại TP Đà Nẵng
Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS tại TP Đà Nẵng
Ngày 7/10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại TP Đà Nẵng.
Tham gia Hội thảo có đại diện Quốc hội, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung; các chuyên gia, hội nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các đại biểu đóng góp những ý kiến sát thực để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thông thoáng khi triển khai trong thực tiễn trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Bộ Xây dựng được Chính phủ, Quốc hội giao soạn thảo Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Trong thời gian qua, Bộ đã tiến hành tổng kết, đánh giá, đề xuất nhóm chính sách và được Quốc hội thông qua. Trong đó, Dự thảo Luật Nhà ở có 8 nhóm chính sách và Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS có 4 nhóm chính sách.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp chọn phương án giữ nguyên quy định cũ, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Ông Nguyễn Văn Lộc – Giám đốc Công ty đô thị FPT Đà Nẵng cho biết, chủ đầu tư của 4.000 căn hộ chung cư ở phía Đông Nam TP Đà Nẵng. Nếu quy định thời gian sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà. Ông Nguyễn Văn Lộc đề xuất giữ nguyên quy định trước đây. Việc đưa thời gian sở hữu vào là vấn đề lớn, đặc biệt khi Nhà nước đang thúc đẩy thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tại các địa phương.
“Ở Đà Nẵng, tâm lý người dân sẽ ảnh hưởng nhiều hơn ở TP Hà Nội và TP.HCM khi phương thức nhà ở chung cư mới được hình thành. Cần có giai đoạn chuyển tiếp để người dân thấy việc đưa thời gian sở hữu chung cư là câu chuyện bình thường, nếu đưa vào ngay thì sẽ gây bất ổn” – ông Nguyễn Văn Lộc nói.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thái Phúc – Giám đốc Chi nhánh Vinpearl Quảng Nam – Đà Nẵng cho rằng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã đề ra quan điểm khuyến khích phát triển nhà chung cư. Tuy nhiên, quy định nhà chung cư sở hữu có thời hạn mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có văn hóa Á Đông, quan niệm nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là một tài sản có giá trị lớn để thừa kế cho con cháu. Nhu cầu của người dân luôn là nhà ở sở hữu lâu dài.
Ngoài ra, bà Đỗ Thị Thái Phúc cũng cho rằng, về mặt pháp lý, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Dự thảo chưa phù hợp với quy định chung về sở hữu tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có khái niệm “thời hạn sở hữu tài sản” mà chỉ có quy định về xác lập quyền sở hữu và chấm dứt quyền sở hữu”.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS Đà Nẵng cho rằng, việc đưa thời hạn sử dụng nhà chung cư về nội hàm không thay đổi so với quy định không xác định thời gian nhưng lại gây xáo trộn tâm lý của người dân, vì vậy ông Nguyễn Đức Lập đề xuất chọn phương án 2, không để thời gian sử dụng nhà chung cư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Phương – nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Thành viên Hội luật gia Quảng Bình cho hay, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi có nhiều điểm đổi mới, trong đó quy định thời hạn sử dụng chung cư là một đột phá. Trong các phương án sửa đổi, ông Nguyễn Ngọc Phương đồng tình với phương án 1, quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Việt Nam nên tham khảo quy định của Trung Quốc và một số nước bởi thực trạng Việt Nam hiện nay đang có nhiều chung cư xuống cấp đến mức có nguy cơ sập đổ nhưng việc hủy bỏ để xây dựng lại vô cùng khó khăn, chưa nói đến việc sau bao nhiêu năm sử dụng cũng cần thay đổi thiết kế, công năng để phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại. Thực tế đã có không ít nhà ở cũ được phá dỡ, xây dựng mới phù hợp với cuộc sống người dân hơn.
Ông Trần Tuấn Lợi – Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cũng cho rằng nên lựa chọn phương án áp thời hạn cho nhà ở chung cư, điều này giúp người dân mua chung cư có giá trị sát với thực tế căn hộ mà người dân sở hữu.
Ông Nguyễn Phước Bửu Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, không có tài sản nào có thời hạn vĩnh viễn, lâu dài, bất kỳ tài sản nào cũng có thời hạn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị