Lấy ý kiến dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất
Về phạm vi điều chỉnh, quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật phần truy nhập vô tuyến của các thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất GSM, W-CDMA, E-UTRA gồm máy điện thoại di động và các thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất không phải máy điện thoại di động.
Máy điện thoại di động phải sử dụng công nghệ E-UTRA và hoạt động trên toàn bộ hoặc một trong các băng tần quy định từ Bảng 1 đến Bảng 5 và tuân thủ quy định kỹ thuật tại điều 2 của quy chuẩn này.
Trường hợp máy điện thoại di động có tích hợp công nghệ W-CDMA FDD phải tuân thủ thêm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục B của quy chuẩn này; trường hợp máy điện thoại di động có tích hợp công nghệ GSM phải tuân thủ thêm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục C của quy chuẩn này.
Ảnh minh hoạ
Thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất không phải máy điện thoại di động nếu tích hợp/sử dụng công nghệ E-UTRA phải hoạt động trên toàn bộ hoặc một trong các băng tần quy định từ Bảng 1 đến Bảng 5 và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại điều 2 của quy chuẩn này; trường hợp nếu tích hợp/sử dụng công nghệ W-CDMA FDD phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục B của quy chuẩn này; trường hợp nếu tích hợp/sử dụng công nghệ GSM phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục C của quy chuẩn này. Quy chuẩn này không quy định các yêu cầu kỹ thuật phần truy nhập vô tuyến sử dụng công nghệ NB-IoT, LTE-M và 5G.
Về đối tượng áp dụng, quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.
So với quy định hiện hành và Dự thảo phiên bản trước, Dự thảo bổ sung yêu cầu tính năng VoLTE với điện thoại di động có công nghệ E-ULTRA… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất E-UTRA và các tổ chức đánh giá sự phù hợp thiết bị nêu trên.
Phong Lâm