Lấy ý kiến đóng góp Dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy chữa cháy

Theo đó, dự thảo “Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử” quy định các thuật ngữ và định nghĩa, phân loại và model, các thông số cơ bản, yêu cầu, phương pháp thử nghiệm, quy tắc kiểm tra đối với thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao. Dự thảo này áp dụng đối với thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao.

Đối với dự thảo “Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện bảo vệ cá nhân người chữa cháy – Dây cứu nạn, cứu hộ – cầu kỹ thuật và phương pháp thử” quy định các yêu cầu tối thiểu về thiết kế, tính năng, thử nghiệm đối với dây cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Dự thảo này không quy định các yêu cầu đối với các loại dây được thiết kế cho các hoạt động leo núi, cứu hộ hang động, cứu hộ dưới nước. Toàn văn 2 dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Ảnh minh hoạ

Trước đó, đánh giá thực trạng công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ nói chung, cháy nổ tại khu vực đô thị nói riêng trong thời gian qua Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng, Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, tại các khu đô thị tốc độ phát triển kinh tế – xã hội tăng nhanh, kéo theo đó dự án công trình, cơ sở mọc lên nhiều, nổi bật là các tòa nhà dịch vụ thương mại cao tầng và trong các khu dân cư có các đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh diễn ra phổ biến. Trong công tác kiểm tra nắm bắt tình hình, các hộ gia đình, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh cơ bản đáp ứng yêu cầu về PCCC, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, còn một số tồn tại bằng những lý do khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, còn tồn tại nhiều khu dân cư hiện hữu, mật độ dân cư rất lớn thường chưa đáp ứng về yêu cầu đường giao thông, nguồn nước chữa cháy và khoảng cách an toàn giữa các nhà. Đặc biệt trong khu phố cổ thường ngõ nhỏ, phố nhỏ. Thứ hai, nhiều cơ sở hoạt động trong thời gian rất dài, hoạt động trước luật PCCC, các cơ sở chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng không đảm bảo quy định về an toàn PCCC. Thứ ba, nhà ở hộ gia đình, nhà ở sản xuất kinh doanh, cơ sở hoạt động trong các khu dân cư chưa đảm bảo quy định về an toàn PCCC.

Còn một nội dung nữa đó là về lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tuyến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu về “4 tại chỗ”, đặc biệt là người dân chưa tích cực tham gia các hoạt động về PCCC, chưa nắm được các kiến thức, kỹ năng về PCCC. Điều này dẫn đến khi xảy ra sự cố cháy nổ rất lúng túng. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong khi có cháy nổ xảy ra

Trong 1 năm qua, Bộ Công an chỉ đạo triển khai chuyên đề tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Qua một năm tổng kết cơ bản đã đạt một số kết quả nhất định, trong đó số vụ cháy đã giảm. Trong 12 tháng (15/4/ 2021-15/4/2022) số vụ cháy trong khu dân cư giảm 227 vụ, giảm 24,6%, khu vực sản xuất kinh doanh dịch vụ văn phòng giảm 119 vụ, giảm 21%. Trước tình hình xã hội phát triển, nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, người dân và cơ quan quản lý trong công tác quản lý giảm các vụ cháy nổ.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích