Lấy ý kiến 5 dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tàu biển và phương tiện, công trình biển

Bộ GTVT đang xây dựng 05 Dự thảo Thông tư ban hành/ sửa đổi bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (1); kiểm tra và đóng tàu biển cỡ nhỏ (2); hệ thống chống hà tàu biển (3); phao neo, phao tín hiệu (4); thiết bị nâng trên công trình biển (5) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Dự kiến các văn bản sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh, khai thác tàu biển, các cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu, phao neo, phao tín hiệu, thiết bị nâng trên công trình biển; các cơ sở chế tạo động cơ.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà tàu biển

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia này (sau đây viết tắt là “Quy chuẩn”) áp dụng cho việc kiểm tra và chế tạo các hệ thống được sử dụng trên tàu biển như được định nghĩa ở 1.2.2 do Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và phân cấp (sau đây viết tắt là “tàu”) nhằm hạn chế và ngăn ngừa các sinh vật không mong muốn bám vào tàu. Quy chuẩn này không áp dụng cho hệ thống chống hà trên các tàu có chiều dài nhỏ hơn 24 m.

Về đối tượng áp dụng, quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến hệ thống chống hà trên tàu biển thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1 là: Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây viết tắt là “Đăng kiểm”); các chủ tàu; cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu.

 Ảnh minh hoạ

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra đóng tàu biển cỡ nhỏ

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này (sau đây gọi tắt là “Quy chuẩn”) quy định về kiểm tra và các hoạt động liên quan đến thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác các tàu biển (tự chạy hoặc không tự chạy) có chiều dài mạn khô đến 24 mét và không chở quá 12 khách (sau đây, trong Quy chuẩn này gọi là “tàu”). 

Mặc dù được quy định ở -1 trên, Quy chuẩn này không bắt buộc áp dụng đối với các tàu cá, tàu quân sự, du thuyền hoặc các tàu phục vụ thể thao, giải trí khác không tham gia hoạt động thương mại. Quy chuẩn này không áp dụng cho tàu chở dầu, tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu kéo và tàu đẩy.

Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến các tàu thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1 là Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây viết tắt là “Đăng kiểm”); các chủ tàu; cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác tàu.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chế tạo phao neo, phao tín hiệu

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này áp dụng cho việc kiểm tra, chứng nhận các phao neo như định nghĩa ở 1.2.2 không có người ở, dự định dùng để chằng buộc tàu biển, phương tiện phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí và các loại phương tiện nổi khác (sau đây nếu không được nêu rõ thì được gọi chung là tàu) và các phao tín hiệu dùng để lắp các báo hiệu hàng hải được lắp đặt trong các vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam (sau đây nếu không được nêu rõ thì được gọi chung là phao).

Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, thiết kế, chế tạo, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác phao thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1 bao gồm: Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây, viết tắt là “Đăng kiểm”); các chủ phao; các cơ sở thiết kế, chế tạo phao.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu bọc thép

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này (sau đây gọi tắt là “Quy chuẩn”) quy định về kiểm tra phân cấp tàu biển và các kết cấu nổi trên biển (sau đây gọi tắt là “tàu”). Quy chuẩn này cũng quy định về các hoạt động liên quan đến thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu biển.

Tàu biển thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn này bao gồm tàu biển Việt Nam, các tàu dự định mang cờ quốc tịch Việt Nam có đặc điểm như dưới đây, và các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài (khi thấy cần thiết hoặc có yêu cầu): (1) Tất cả các tàu (tự chạy hoặc không tự chạy) có chiều dài từ 20 mét trở lên; (2) Tất cả các tàu tự chạy (không phụ thuộc vào chiều dài) có tổng công suất liên tục lớn nhất của máy chính từ 75 kW trở lên; (3) Các tàu khách, tàu kéo, tàu hàng lỏng, tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm và các tàu có công dụng đặc biệt khác không phụ thuộc vào chiều dài tàu và công suất của máy chính.

Quy chuẩn này không bắt buộc áp dụng đối với các tàu cá, tàu quân sự, du thuyền hoặc các tàu phục vụ thể thao, giải trí khác. Các tàu có chiều dài để xác định mạn khô dưới 24 m, không phải là tàu khách, có thể không cần áp dụng Quy chuẩn này nếu đã áp dụng quy chuẩn quy định riêng cho các tàu đó. Quy chuẩn này cũng không áp dụng cho các tàu cao tốc đã áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển cao tốc, trừ trường hợp được quy định dẫn chiếu sang.

Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến các tàu thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại 1.1.1 trên là Cục Đăng kiểm Việt Nam (sau đây trong Quy chuẩn này viết tắt là “Đăng kiểm”); các chủ tàu; cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu biển; các cơ sở thiết kế, chế tạo vật liệu và trang thiết bị, máy móc lắp đặt lên tàu.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị nâng trên công trình biển

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn này quy định các yêu cầu an toàn kỹ thuật, an toàn lao động về thiết kế, chế tạo, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, nhập khẩu, khai thác, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra, chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với thiết bị nâng trên các công trình biển (“thiết bị nâng trên các công trình biển” sau đây trong Quy chuẩn này viết tắt là “thiết bị nâng”).

Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến thiết bị nâng thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại mục 1.1.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích