Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số
Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh, tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 26.000 hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ (chiếm trên 94%), còn lại là doanh nghiệp quy mô lớn. Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.
Hiện nay, phần lớn cơ sở sản xuất kinh doanh đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối, cụ thể: cả nước có khoảng 100.000 cửa hàng đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh; con số này tương tự đối với các phần mềm Sapo, Haravan, Nhanh.
Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee…; trên 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử của nhiều nhà cung cấp khác nhau như E-invoice, Ihoadon hay Misa Meinvoice; hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số; hơn 60% doanh nghiệp trên cả nước đang sử dụng phần mềm kế toán (Bravo, 3Tsoft, Misa) giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư.
Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thấy chuyển đổi số là cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch… hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.
Ảnh minh hoạ
Mặc dù trong năm 2022, kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyển đổi số vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chuyển đổi số; còn 3/12 chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chưa hoàn thành, trong đó, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp bộ còn thấp.
Đặc biệt, Chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn. Một số địa phương thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn và chưa nhất quán trong chuyển đổi số. Còn 266 thôn, bản chưa được phủ sóng di động, thiếu điện.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do thiếu quyết liệt, ngại va chạm trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương, chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, xác định phát triển kinh tế nhanh, bền vững phải dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ. Một số bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa nghiêm, năng lực, trình độ còn hạn chế; việc rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách còn chưa tập trung triển khai thực hiện; thiếu kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Các phần mềm chậm được nâng cấp, phát triển, một số dịch vụ công chưa thân thiện với người dùng; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; thiếu các công cụ kỹ thuật số để kiểm tra, giám sát chuyển đổi số, còn phụ thuộc vào phương thức truyền thống; việc thông tin, truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai Đề án Chuyển đổi số Quốc gia chưa được coi trọng.
Năm 2023 dự báo thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06 góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2030 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, là nguồn lực cho chuyển đổi số, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả và hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
Bảo Lâm