Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Khánh thành Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn

(Xây dựng) – Sáng 11/3, huyện Lập Thạch long trọng tổ chức Lễ khánh thánh Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn tại khu công viên cây xanh trung tâm huyện Lập Thạch.

Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Khánh thành Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Tượng đài Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn.

Trần Nguyên Hãn (1390-1429) là võ tướng nổi tiếng thời Lê sơ. Ông được biết đến là công thần với nhiều đóng góp trong khởi nghĩa Lam Sơn giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh khỏi bờ cõi nước Nam, ông được vua Lê Thái Tổ sắc phong là Tả tướng quốc.

Nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những dấu ấn lịch sử văn hóa, tôn vinh vị anh hùng dân tộc, tái hiện lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta, góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau, huyện Lập Thạch đầu tư xây dựng công trình Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn trong tiểu khu công viên cây xanh huyện Lập Thạch tại trung tâm thị trấn Lập Thạch với tổng mức đầu tư gần 28 tỷ đồng. Nguồn kinh phí được thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa.

Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Khánh thành Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa chúc mừng.

Công trình tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn nằm ở vị trí khá thuận lợi, là dải đất vuông vắn, bằng phẳng, có chiều rộng 100m, chiều dài 120m, tổng diện tích 12.000m2, nằm ngay ngã tư Tỉnh lộ 307 và tuyến đường chính trước mặt Huyện ủy Lập Thạch. Phía Bắc giáp với khuôn viên Huyện ủy, phía Tây giáp Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao huyện, phía Nam giáp Tỉnh lộ 307, phía Đông giáp với công viên cây xanh có hồ nước hình bán nguyệt. Điều đặc biệt Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn được thiết kế theo hướng chính Nam, hướng nhìn về xã Sơn Đông nơi trang Sơn Đông xưa quê hương của Tả tướng quốc một thời oanh liệt.

Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn là công trình nghệ thuật hoành tráng, bề thế gồm 2 phần: Tượng đài Tả tướng và các bức phù điêu phía sau tượng đài. Phần tượng đài được đúc bằng đồng. Phần đế bệ tượng đài và phù điêu làm bằng đá xanh Thanh Hóa.

Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn có chiều cao tổng thể của thân tượng đài là 9m tính từ mặt sân lên tới đỉnh đầu nhân vật (chưa tính chiều dài thanh kiếm lệnh giơ cao khoảng 1,2m so với đỉnh đầu nhân vật). Trong đó, phần tượng cao 5,4m đúc đồng, đặt trên đế bệ đá khối cao 3,6m. Mặt trước bệ tượng khắc rõ chức vị, tên và năm sinh, năm mất của nhân vật.

Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Khánh thành Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn
Công trình Tượng đài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn có ý nghĩa, giá trị lịch sử nhằm tôn vinh vị anh hùng dân tộc, góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Tổng thể phù điêu phía sau tượng đài có chiều dài 24m, chiều cao tại vị trí chính giữa khoảng 6,3m, chiều cao tại vị trí biên khoảng 5,4m. Bức phù điêu được chia làm 9 mảng khối đề tài theo chuỗi các chủ đề gắn bó với nhau, có tính liên hoàn, góp phần khắc họa ý nghĩa quan trọng của công trình.

Mảng phù điêu thứ 1 khắc họa hình ảnh sơ tán từ Hải Dương về trang Sơn Đông – Lập Thạch. Nơi lánh nạn tại làng Quan Tử, trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây – nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Những hình ảnh đặc trưng vùng đất được gợi tả qua những nếp nhà mái lá, rừng cọ, tháp Bình Sơn, đền Bạch Hạc – nơi gắn với truyền thuyết Tả tướng được thần mách bảo minh chủ để theo về sau này.

Mảng phù điêu thứ 2 với chủ đề “Nghĩa quân rừng Thần”, khắc họa hình ảnh Trần Nguyên Hãn bí mật chiêu tập thanh niên trai tráng trong làng, tổ chức luyện quân, lập căn cứ tại rừng Thần, ao Tó, đầm Trạch (nay gọi là đầm Đa Mang), thuộc hai xã Sơn Đông và Văn Quán chờ thời cơ đánh giặc cứu nước. Những cảnh luyện tập hăng say, mài gươm trên đá làm rõ chủ đề nội dung. Đến nay, hòn đá mài gươm vẫn còn và được trưng bày trước Đền Tả tướng.

Mảng phù điêu thứ 3 với chủ đề “Nghĩa quân phá thành Tam Giang”. Trong một đêm, Trần Nguyên Hãn đã chỉ huy nghĩa quân rừng Thần tổ chức công phá, tiêu diệt thành Tam Giang, làm chủ cả một vùng Bạch Hạc rộng lớn khiến cho quân Minh phải kinh hồn, bạt vía. Tiếng tăm nghĩa quân lừng lẫy khắp vùng. Hình ảnh vị thủ lĩnh cưỡi ngựa xông pha trận mạc cũng nghĩa quân, nâng cánh chim bồ câu đưa thư đã trở thành truyền thuyết.

Mảng phù điêu thứ 4 với chủ đề “Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn”. Năm Mậu Tuất (1418), Trần Nguyên Hãn đem theo hai trăm quân tinh nhuệ của nghĩa quân rừng Thần, cùng hơn một trăm ngựa chiến vào tụ nghĩa. Lê Lợi biết tài lược của ông, đãi ngộ rất hậu, cho dự bàn mưu kín, cho theo đánh giặc lập công.

Mảng phù điêu thứ 5 khắc họa Trận Tân Bình, Thuận Hóa. Tháng 7 năm Ất Tỵ (tháng 8/1425), Lê Lợi giao cho Trần Nguyên Hãn chỉ huy với số quân ít ỏi, ông đã mưu trí tổ chức một trận mai phục, tiêu diệt đạo quân Minh với lực lượng nhỏ hơn địch rất nhiều, ông đã xây dựng, củng cố vùng đất rộng, dân đông ở phía Nam Tổ quốc thành hậu phương lớn vững chắc cho nghĩa quân.

Mảng phù điêu thứ 6 khắc họa chiến thắng Đông Bộ Đầu. Tháng 9/1426, sau khi nhận định tình hình lúc này lực lượng địch suy yếu đang chờ viện binh, ta đang ở thế chủ động, Lê Lợi cùng bộ tham mưu đã cùng bộ tham mưu chỉ huy trực tiếp cuộc tiến công vây hãm thành Đông Quan và giành thắng lợi oanh liệt.

Mảng phù điêu thứ 7 khắc họa trận đánh Hạ thành Xương Giang. Tháng 9/1427, Lê Lợi giao cho Trần Nguyên Hãn lên trực tiếp chỉ huy với nhiệm vụ phải hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng kéo đến. Đây là lần hiếm hoi có một trận thắng của quân ta triệt hạ được một thành trì quan trọng có số quân lớn.

Mảng phù điêu thứ 8 khắc họa Hội thề Đông Quan. Hội thề này về sau sách sử gọi là hội thề Đông Quan diễn ra vào tháng 12/1427 tại phía Nam thành, bên bờ sông Cái. Trong danh sách những người tham gia hội thề của phía Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn đứng tên thứ hai, sau Lê Lợi: Nhất quốc đầu mục, Hãn danh đệ nhị thứ, kỳ kiến trọng ư tôn giã.

Mảng phù điêu thứ 9 khắc họa Vua Lê gia phong Tả tướng quốc. Mảng phù điêu này được đặt ở vị trí trung tâm, với nền đại cảnh là hình ảnh Đền Tả tướng ở Sơn Đông, có tính ẩn dụ, khắc họa về lòng tôn kính của hậu thế muôn đời đối với danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc – Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

Công trình khi hoàn thiện sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi công trình lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh, thu hút khách tham quan du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo động lực thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích