Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Tiếp biến “di sản quy hoạch”

Mỗi thành phố với đặc điểm khác biệt về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội, trong quá trình thực thi quy hoạch đều gặp phải những vấn đề riêng. Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội thực hiện quy hoạch nhằm khẳng định mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến là Thủ đô của cả nước – Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

1
Hà Nội ngày càng phát triển không ngừng

Với vai trò và vị thế Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội đã thực hiện “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050” tại Quyết định 1259/QĐ-TTg (Quyết định 1259), ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 10 năm thực hiện Quyết định 1259, Hà Nội đã gặt hái được những thành tựu to lớn, song bên cạnh đó bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục.

Những mặt được và chưa được đã giúp Hà Nội rút ra bài học kinh nghiệm, để có thêm cơ sở lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 313/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/3/2022), cũng như lập “Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” (Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/6/2023).

Thực hiện Quyết định 1259, hơn 10 năm, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Quyết định 1259 trở thành công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay. Thành phố Hà Nội đã tiến hành lập và phê duyệt đồng loạt các quy hoạch chuyên ngành (hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội), quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm… Nhờ đó, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại. Vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được nâng cao trên trường chính trị – văn hóa – xã hội, cũng như là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước lẫn quốc tế.

Tuy nhiên thực tế cho thấy một số tồn tại, hạn chế khi Hà Nội triển khai Quyết định 1259. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, khi triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc như điều chỉnh vị trí trung tâm thể dục thể thao, một số tuyến đường chính đô thị, các khu chức năng đô thị,… Có thay đổi so với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới (Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch năm 2017), những điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia, cấp Vùng và phát triển đô thị, nông thôn ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô. Cùng đó, quy mô dân số không ngừng tăng lên, vượt xa dự báo dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư.

2
Sơ đồ vị trí và mối quan hệ vùng, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai tỷ lệ 1-25.000. (Ảnh minh họa)

Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quang đánh giá, quy mô diện tích, dân số Hà Nội hiện đã lớn hơn rất nhiều so với trước. Từ đây, việc lập Quy hoạch Thủ đô không chỉ tích hợp lồng ghép tất cả lĩnh vực mà đòi hỏi phải là quy hoạch chiến lược, đặt ra được chiến lược ưu tiên, tạo ra những không gian sáng tạo mới để phát triển và xác định được nguồn lực thực hiện.

Quy hoạch Thủ đô cần đề cập các chính sách và sáng kiến phát triển Hà Nội trong bối cảnh liên kết vùng. Đặc biệt quan tâm các lĩnh vực liên quan tới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng tới người dân, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và liên kết đô thị nông thôn. Đây là những vấn đề thời đại, có vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô bền vững.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chia sẻ, những kết quả nổi bật Hà Nội đạt được trong hơn 10 năm triển khai Quyết định 1259 là điều không thể phủ nhận. Nhưng quá trình thực hiện, các đô thị vệ tinh, thị trấn, đô thị sinh thái tại Hà Nội chậm triển khai hạ tầng kết nối, chưa xác lập triển khai chính quyền đô thị thích hợp kịp thời. Khu vực xây dựng nông thôn mới còn tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp, bảo tồn khu cảnh quan tự nhiên và đặc thù chưa kiểm soát chặt chẽ. Một số khu đô thị mới còn phát triển riêng lẻ, thiếu liên kết. Các đô thị vệ tinh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, sáng tạo.

Triển khai “Quy hoạch chung” từ năm 2011 đến nay, với những thành tựu cũng như bất cập đã bộc lộ, giúp Hà Nội nhận diện vấn đề tồn tại trong từng lĩnh vực, có hình thức tiếp biến “di sản quy hoạch” để lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất, vừa đúng thời gian theo quy định. Quan trọng hơn, tiếp biến “di sản quy hoạch” giúp Hà Nội có định hướng phù hợp để lập Quy hoạch Thủ đô bám sát mục tiêu Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Sự tiếp biến “di sản quy hoạch” kết hợp sức mạnh trí tuệ tập thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thời gian qua như Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, Hà Nội hứa hẹn sẽ có “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” phù hợp với các chủ trương, định hướng phát triển mới của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Trong đó phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” sẽ là mục tiêu, nhiệm vụ tiên quyết và quan trọng nhất./.

Ngày 29/9/2023, tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) dự kiến diễn ra Hội thảo khoa học Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến Hội thảo sẽ có hơn 300 đại biểu, sẽ tập trung thảo luận, góp ý cho Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội với 4 nguyên tắc lập quy hoạch; 4 tư tưởng triết lý; 5 nhóm quan điểm phát triển Thủ đô; 3 phương án kịch bản phát triển và mục tiêu phát triển Thủ đô; 3 khâu đột phá (về thể chế, phát triển hạ tầng, nhân lực); 2 vùng động lực phát triển Thủ đô…

Theo Người Hà Nội

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích