Lập bản đồ kinh tế vật chất giúp giảm phát thải carbon

Lập bản đồ kinh tế vật chất giúp giảm phát thải carbon

Lâm Hà –  Thứ sáu, 15/10/2021 11:16 (GMT+7)

Trên tạp chí Energy & Environmental Science, nhóm các nhà nghiên cứu vừa công bố một phương pháp mới về ứng dụng mô hình công cụ để lập bản đồ kinh tế vật chất cho một khu vực.

Việc lập bản đồ kinh tế vật chất cho một khu vực có thể trở thành một công cụ mới để tìm ra các mối liên kết tiềm ẩn giữa các ngành công nghiệp, từ đó xác định các cơ hội để giảm thiểu chất thải và phát thải carbon.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Shweta Singh, nhà khoa học liên ngành ở ĐH Purdue (Hoa Kỳ) phát triển công cụ nói trên cho biết: Công cụ này đem lại cái nhìn toàn cảnh, cho phép các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp tham gia vào sự thay đổi và nhìn thấy được kết quả. Những bên liên quan có thể thử nghiệm ảo nhiều lựa chọn trước khi đưa ra quyết định.

Những nỗ lực nhằm mục tiêu không chất thải và carbon thấp trước đây chỉ tập trung vào một phần của dòng chảy công nghiệp như giảm sử dụng năng lượng trong một quy trình sản xuất đơn lẻ. Tuy nhiên, cần phải có cái nhìn toàn cảnh hệ thống, đưa ra những lựa chọn tốt nhất và đầu tư hiệu quả nhất vào những công nghệ mới nổi để cải thiện tổng thể.

Cách tiếp cận này giống như Dự án hệ gene người, tuy nhiên đối tượng ở đây là nền kinh tế vật chất. Công cụ này sử dụng các nguyên tắc vật lý, các mô hình cơ học từ vật lý, kỹ thuật và sinh học để tự động lập bản đồ về nền kinh tế vật chất nhanh hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống. Các nhà nghiên cứu khẳng định: “Với công cụ mô hình hóa này, chúng tôi có thể làm những thứ tốn 100 ngày chỉ trong vòng 1 ngày”.

Công cụ trên đang được thử nghiệm sử dụng để lập bản đồ kinh tế vật chất của bang Illinois, Mỹ, trong 10 lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp. Kết quả cho thấy việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải công nghiệp và tái chế phân lợn sẽ có tác động lớn nhất nhờ việc giảm được hơn 62% chất thải từ phân lợn, 96% bã ngô xay nghiền khô và 99% vỏ đậu tương thải bỏ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích