Lào và Thái Lan ứng phó với nắng nóng trên 40 độ C kéo dài
Lào và Thái Lan ứng phó với nắng nóng trên 40 độ C kéo dài
Nắng nóng nghiêm trọng với nền nhiệt trên 40 độ C kéo dài trong nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Lào và Thái Lan.
Hiện hai nước đang đẩy mạnh các nỗ lực hỗ trợ người dân ứng phó với đợt nắng nóng kỷ lục này.
Tại Lào, Bộ Giáo dục và Thể thao nước này cảnh báo nhiệt độ từ 40 độ C trở lên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là ở những trường học không có quạt, điều hòa. Do đó, trong trường hợp lớp học không có quạt và điều hòa, các trường nên xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết. Các trường cũng được yêu cầu tránh tổ chức những hoạt động ngoài trời kéo dài trong thời gian nắng nóng.
Theo dự báo, nắng nóng gay gắt tại Lào còn diễn ra trong những ngày tới và nền nhiệt tại một số nơi có thể lên tới 43 độ C, trong khi gió Tây sẽ mang theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, sét, mưa đá và gió mạnh.
Trước tình trạng nắng nóng bất thường, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào yêu cầu hiệu trưởng các trường học thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đề nghị các trường nên tránh tổ chức các hoạt động ngoài trời kéo dài trong thời gian nắng nóng.
Chỉ thị của Bộ Giáo dục Lào cũng yêu cầu Sở giáo dục các quận, huyện cảnh giác, đề phòng giông bão, sét và gió mạnh có thể làm đổ cây lớn và hư hỏng mái các trường học, đồng thời có các biện pháp cất giữ các thiết bị và tài liệu giáo dục quan trọng ở nơi an toàn đề giảm thiểu nguy cơ hư hỏng.
Bộ này cũng cho phép trong thời gian mưa lớn có sét, lũ lụt, các trường cũng nên cân nhắc tạm dừng dạy học để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cũng kêu gọi các trường học nâng cao nhận thức về môi trường trong học sinh, dạy các em về tác động của biến đổi khí hậu, tạo không gian xanh trên sân trường và trồng thêm cây xanh, phân loại rác thải thành các loại có thể tái chế và không thể tái chế, đồng thời hạn chế đốt rác; yêu cầu các giáo viên theo dõi thông tin thời tiết trên trang Facebook của Cục Khí tượng Thủy văn và làm quen với các thông tin cập nhật do Trung tâm Thông tin và Giáo dục Sức khỏe cung cấp để có các biện pháp phù hợp.
Ở Thái Lan, nắng nóng đã khiến mức nước tại một số hồ chứa chính tại tỉnh Nakhon Ratchasima ở Đông Bắc Thái Lan đang xuống thấp kỷ lục, báo hiệu tình trạng hạn hán và gây lo ngại về nguy cơ thiếu nước.
Trong khi đó, Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cũng đang theo dõi tình hình thời tiết nắng nóng nghiêm trọng trong nước và đánh giá ảnh hưởng của hiện tượng này đối với việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi để có biện pháp kịp thời hỗ trợ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Cục Nội thương cũng đang đàm phán với Hiệp hội chăn nuôi lợn Thái Lan và Hiệp hội nông dân nuôi gà lấy trứng về việc tăng giá thịt lợn và trứng tương ứng. Điều kiện thời tiết đang ảnh hưởng đến chăn nuôi, đặc biệt là gà. Tỷ lệ trứng nhỏ hơn (cỡ 3, 4 và 5) tăng 50% trong điều kiện thời tiết này.
Theo dự báo của Cục Khí tượng thuộc Bộ Xã hội và Kinh tế Số Thái Lan, người dân Thái Lan có thể phải đương đầu với nắng nóng kéo dài do mùa mưa có thể đến muộn hơn hai tuần so với thường lệ trong năm nay.
Dự báo của Cục Khí tượng Thái Lan cho thấy người dân nước này có thể phải đương đầu với nắng nóng kéo dài do mùa mưa năm nay có khả năng đến muộn hơn 2 tuần so với thường lệ.
Trong khi đó, nước láng giềng Campuchia đang hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể dao động từ 40-42 độ C ở một số khu vực trên phạm vi toàn quốc, giữa cao điểm mùa khô năm 2024.
Ông Chan Yutha, người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia cho biết từ ngày 26-27/4, nhiệt độ cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này có thời điểm lên tới 40-42 độ C, đặc biệt là ở vùng cao nguyên phía Bắc và vùng trung du Tây Bắc. Trong số này, tỉnh Tây Bắc Oddar Meanchey là địa phương ghi nhận nền nhiệt cao nhất trong đợt nắng nóng với nhiệt độ có thể lên đến 42 độ C, trong khi nhiệt độ ở thủ đô Phnom Penh lên tới 40 độ C.
Theo người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, thời tiết nắng nóng không chỉ xuất hiện ở Campuchia, mà được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả châu Âu, nhưng châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất.
Tại Campuchia, hiện tượng nắng nóng và nhiệt độ thời tiết tăng cao tương đương các khu vực khác, ở mức cao nhất từ 40-42 độ C trong khoảng thời gian từ 12h00 đến 15h00 trong ngày. Tuy nhiên, đợt cao điểm nắng nóng lần này sẽ giảm dần vào cuối tháng 4 và tháng 5, thời điểm vào cuối mùa khô, thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa.
Ông Chan Yutha cho biết thêm, trong những năm qua, nhiệt độ Trái Đất đã tăng bình quân từ 0,3-0,5 độ C. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ đã tăng vọt lên 1,37 độ C, mức rất cao so với mức tăng trung bình hàng năm.
Liên quan hiện tượng nóng lên do biến đổi khí hậu, tại phiên họp nội các hôm 26/4, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng hỏa hoạn trong mùa khô; đồng thời yêu cầu các tổ công tác hỗ trợ cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm vấn đề nguồn nước, đảm bảo nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường nhật, cũng như nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Manet cũng yêu cầu các cơ quan bộ, ngành liên quan kiểm tra năng lực cung cấp điện, chuẩn bị cho tình huống thiếu nguồn nước cung cấp cho thủy điện, cũng như hoạt động cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt…
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo hiện tượng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy. Nhiệt độ cũng đang tăng cao khiến nắng nóng gay gắt xảy ra tại nhiều quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Philippines, Campuchia, Singapore…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị