Lao động tham gia BHXH tự nguyện: Nên được tăng trợ cấp thai sản!
Gia tăng độ bao phủ chính sách BHXH
Về đối tượng sửa đổi, Chính phủ đề xuất bổ sung nhóm lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh và có đóng thuế (hiện có khoảng 2 triệu trường hợp); bổ sung nhóm đối tượng quản lý hợp tác xã và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí BHXH cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách BHXH.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất nhiều chính sách mới cho người tham gia. Ảnh: VGP |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút BHXH một lần là một thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016 – 2022, số người rút BHXH một lần lên đến 3,5 triệu người, thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Nguyên nhân là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời, một phần do hoàn cảnh khó khăn của người lao động…
Về các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về BHXH. Bên cạnh đó, có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của BHXH; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt…
Cùng thảo luận về chính sách rút BHXH một lần trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này. Cơ quan soạn thảo đang lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý. Quan điểm của Ủy ban Xã hội là bất kể chọn phương án nào nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nhấn mạnh, phải đảm bảo chính sách BHXH thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động. Còn việc rút bao nhiêu, một lần hay nhiều lần thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài giải pháp trực tiếp là sửa Luật BHXH thì còn có giải pháp gián tiếp là cơ chế tín dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định… để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán cho việc rút bảo hiểm một lần hiện nay.
Hướng tới một hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập
TS Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ là phù hợp, cần thiết.
Hiện nay, có 2 nhóm hộ kinh doanh là hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh, trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh.
Ông Lợi cho rằng, bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh phải tham gia BHXH bắt buộc là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện với BHYT hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời, hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện, từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc.
Góp ý về căn cứ đóng BHXH tại Điều 37, Mục b, Khoản 1 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), TS Bùi Sĩ Lợi cho rằng, nên bỏ “các khoản bổ sung khác” vì lâu nay quy định nhưng không thực hiện được và gây tranh cãi. Đồng thời, quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương trả thường xuyên, được hạch toán vào giá thành sản phẩm và trả ổn định trong mỗi kỳ trả lương (ít nhất bằng 70% tổng thu nhập tiền lương).
Bên cạnh đó, ông Lợi góp ý, phải hướng tới một hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam, với mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, đảm bảo không có phụ nữ nào ở Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói vì có con. Nếu quy định như dự thảo Luật “người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con” là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần, thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Do đó, ông Lợi đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng), đồng thời vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Về hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Trong đó phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Theo TS Bùi Sĩ Lợi, ngay trong phương án 1 này đã thể hiện mâu thuẫn vì cùng một chính sách có hai chế độ hưởng khác nhau, do đó, dự thảo Luật nên quy định phương án 1 như phương án 2 của dự thảo Luật và phương án 2 giữ như quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành.
Trong tham luận gửi đến Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội đề xuất tăng mức hỗ trợ đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với lao động thuộc hộ nghèo, từ 10% lên 25% đối với các đối tượng còn lại. |
Phương Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô