Lào Cai triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(Xây dựng) – Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 349/KH-UBND triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo tồn, bảo vệ, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản, từ đó giúp phục hồi, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.

Triển khai thực hiện quy hoạch, Lào Cai sẽ tiến hành điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trong hệ thống sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Thả giống tái tạo phục hồi môi trường nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên; quản lý, bảo vệ 3 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cấm khai thác thủy sản có thời hạn 4 khu vực; bảo vệ các bãi đẻ, đường di cư sinh sản của các loài thủy sản, khu vực thủy sản tập trung sinh sản, khu vực thủy sản con non tập trung sinh sống.

Tỉnh sẽ tổ chức quản lý khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Ba khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản gồm sông Chảy (từ xã Xuân Thượng đến xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, 100ha); sông Hồng đoạn khu vực Ngòi Đum, Cốc Lếu, thành phố Lào Cai (từ cầu Kim Thành đến cầu Giang Đông, thành phố Lào Cai); sông Hồng đoạn khu vực cửa Ngòi Bo, Bãi Soi cờ từ xã Thái Niên đến xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (415ha).

Bốn khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn gồm: Hồ Cốc Ly, huyện Bắc Hà (600ha), thời gian cấm khai thác từ ngày 15/7-30/9; sông Chảy từ xã Xuân Thượng đến xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (197ha), thời gian cấm khai thác từ ngày 15/5-30/7; sông Hồng từ tổ dân phố Phú Long 1,2 đến tổ dân phố Phú Thịnh 2, 3 thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng (90ha), thời gian cấm khai thác từ ngày 1/4-30/7; sông Hồng từ thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng đến ngã ba sông Hồng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), thời gian cấm khai thác từ ngày 1/3-31/7.

Để đạt mục tiêu, hơn 95% người dân không sử dụng chất nổ, xung điện, kích điện, ngư cụ cấm khai thác thủy sản. Lào Cai sẽ thực hiện kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Hằng năm, lấy ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4) hoặc ngày Lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy Âm lịch) tỉnh phát động phong trào thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn. Đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh. Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…

UBND tỉnh Lào Cai giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đảm bảo điều kiện môi trường cho phát triển nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện trách nhiệm trong quản lý, theo dõi chất lượng môi trường nước trên địa bàn tỉnh, phối hợp cung cấp số liệu quan trắc chất lượng môi trường nước của các thủy vực tự nhiên khi có yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp chia sẻ, cập nhật thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học phục vụ công tác quản lý chung đối với nguồn thủy sản tự nhiên. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường gây ô nhiễm các thủy vực tự nhiên…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích