Lào Cai: Triển khai quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản
(Xây dựng) – Ngày 10/8, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai. |
Theo đó, tại Quyết định số 866/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho tỉnh Lào Cai thực hiện thăm dò 12 loại khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh với diện tích là 17.918,6ha. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2030 có 35 đề án thăm dò (4 đã cấp, 31 cấp mới); giai đoạn 2031 – 2050 có 6 đề án cấp mới gồm 5 đề án đồng, 1 đề án apatit.
Về khai thác và tuyển quặng, duy trì các giấy phép khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp để đảm bảo tính ổn định cho các dự án chế biến, sử dụng các loại khoáng sản đã đầu tư xây dựng. Thực hiện khai thác đối với 13 loại khoáng sản, tổng diện tích khai trường 22.826,2ha. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2030 có 75 dự án (26 dự án đã cấp, 49 dự án cấp mới), giai đoạn 2031 – 2050 có 59 dự án. Trong chế biến, tập trung nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản như: đồng, đất hiếm… Giai đoạn 2021 – 2030 có 14 dự án (đã cấp 8 dự án, 6 dự án cấp mới), giai đoạn 2031 – 2050 có 12 dự án.
Mục tiêu của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới. Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bauxite, titan, đất hiếm, cromit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có một số dự án khai thác, chế biến khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay một số dự án chưa hoạt động, một số dự án đã tạm dừng hoạt động. Tính đến hết ngày 31/7, trên địa bàn tỉnh có 53 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực (2 giấy phép thăm dò, 51 giấy phép khai thác). Tổng công suất đã cấp 1.556.000 m3 đá/năm và 700.000 m3 cát/năm (tổng công suất các mỏ chưa khai thác/tạm dừng là 450.000 m3 đá/năm và 194.000 m3cát/năm).
Hiện nay, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt như việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản và quy hoạch sử dụng đất, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, khó khăn trong khai thác vật liệu xây dựng.
Về việc này, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh quyết liệt vào cuộc triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chủ động hơn trong đề xuất cùng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.
Nguồn: Báo xây dựng