Lào Cai: Sinh viên nghi ngộ độc, khẩn trương truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin phản ánh về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Cao đẳng Lào Cai (địa chỉ: đường M9, phường Bắc Cường, TP.Lào Cao, tỉnh Lào Cai), trong đó có khoảng 49 sinh viên có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy sau khi ăn tối tại căng tin nhà trường.
Trước tình hình đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 2607/ATTP-NĐTT ngày 10/10/2024 đề nghị Sở Y tế tỉnh Lào Cai tạm ngừng hoạt động của căng tin nhà trường nơi nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Lào Cai phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Sinh viên nhập viện có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy sau khi ăn tối tại căng tin nhà trường.
Ngành y tế địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa Hưng Thịnh (Lào Cai) tiếp nhận 40 bệnh nhân là sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai nhập viện với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, đau đầu, sốt,… có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Tính đến hôm sau đã có 49 sinh viên phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.
Từ vụ việc trên, theo ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của mỗi người, của cả cộng đồng cùng chung tay nhằm thay đổi tư duy sản xuất. Đây không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Và muốn thực hiện tốt điều này thì việc số hoá, ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, lộ trình từ nay đến 2025, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ được kiện toàn, xây dựng lại theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối nhằm tăng hiệu quả quản lý. Theo đó, quán triệt triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và hướng dẫn số 82 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17, thời gian tới sẽ xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Thanh Hiền (t/h)