Lãnh đạo trong kỷ nguyên VUCA là lãnh đạo sự thay đổi
Tôi thích gọi VUCA là cơn bão của “những phép thử” hơn là sự biến động. Làm sao biết mái nhà chống bão của tôi đáng tiền nếu không có cơn bão nào đi qua. Phép thử cho biết một điều quan trọng: điều ta đang làm có thật sự đủ tốt và có thể làm tốt hơn được không.
Hãy xét đến những bất ổn đại diện cho VUCA trong hai năm gần đây.
Đại dịch Covid – 19: dù chúng ta đã sống trong “bình thường mới”, nhưng nỗi ám ảnh lây nhiễm mất kiểm soát vẫn còn đó, nguồn cung lao động đứt gãy trầm trọng đến nỗi tỉnh Long An đề xuất cho F0, F1 làm việc.
Chiến tranh: xung đột Nga và Ukraine khiến toàn cầu tiếp tục đối mặt với đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng. Tưởng chừng chúng ta ở xa sẽ né được, nhưng giá xăng dầu và hàng hóa đã có câu trả lời hoàn toàn trái ngược. Cú đấm thứ hai vào kinh tế toàn cầu là khi các nước cấm không phận lẫn nhau. Đòn đánh nặng nề này giáng trực tiếp vào các công ty hàng không và du lịch sau khi khống chế được phần nào SARS-CoV-2 và những biến thể của nó.
Và còn các cuộc khủng hoảng kế tiếp trong thế giới VUCA ngày nay. Cá nhân hay tổ chức đều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố của VUCA. Từ phía giới chủ doanh nghiệp, cần quản trị rủi ro – đáp ứng đặc điểm biến động nhanh và liên tục của môi trường, sao cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu với nguồn lực tối ưu. Nhưng phải bắt đầu từ đâu?
Để quản trị rủi ro – quản trị sự thay đổi, giới chủ cần quan tâm đến hai nhóm: nhóm tư duy và nhóm phương pháp.
Về tư duy: tư duy tìm cơ trong nguy. Lãnh đạo phải là người luôn sẵn sàng thay đổi, kiến tạo nên tinh thần tích cực cho tập thể. Tư duy con người trên hết. Lãnh đạo định vị mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là sự phát triển và an toàn của cá nhân – không chỉ là nhân viên của công ty mà còn là đối tác, khách hàng. Tư duy tập trung vào phạm vi có thể kiểm soát. Chủ động kiểm soát những vấn đề nằm trong phạm vi của mình, đặc biệt là hành vi cá nhân, không cố gắng để kiểm soát mọi thứ.
Về phương pháp: phương pháp lãnh đạo theo phong cách của “nhà lãnh đạo hạnh phúc”. Nhà lãnh đạo hạnh phúc có khả năng lãnh đạo tự thân để chính họ đạt được hạnh phúc và mục tiêu số một là lan tỏa giá trị của hạnh phúc. Họ vẫn đạt đủ các yếu tố như khả năng huấn luyện, tin tưởng trao quyền và không quản lý vi mô. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo hạnh phúc có thể kêu gọi sức mạnh tập thể để khủng hoảng được phát hiện và cảnh báo từ cấp thấp nhất.
Phương pháp thay đổi mô hình quản trị. Định hướng chuyển đổi mô hình quản trị top – down cồng kềnh thành mô hình quản trị rủi ro linh hoạt bằng cách sử dụng công cụ 6R (Review: xem lại, Re – think: nghĩ lại, Re – discuss: thảo luận lại, Re – plan: lập kế hoạch lại, Re – communicate: truyền thông lại, Re – do: làm lại) giúp doanh nghiệp thay đổi.
Ví dụ, hãy tưởng tượng doanh nghiệp đang ở khu vực thường xảy ra động đất. Vậy ít nhất hệ thống của doanh nghiệp phải luôn trong trạng thái đáp ứng được hai tình huống dự trù rủi ro: khi có động đất và khi không có động đất. Sự chuẩn bị khiến khi thảm họa xảy ra không là một thảm họa nữa, mà đó là cơ hội để doanh nghiệp có thể bán cái gì. Thay đổi hướng suy nghĩ mở ra cho doanh nghiệp một thế giới khác hẳn.
Vẫn với tình huống về động đất, một chuỗi cửa hàng ở Đài Loan đã hoạch định nó trở thành một cơ hội để tăng trưởng. Công ty này bắt đầu nghiên cứu những sản phẩm thiết yếu mà người dân cần sử dụng khi động đất xảy ra và đóng gói nó trở thành một bộ công cụ sinh tồn, bao gồm đồ ăn thức uống, đèn pin, còi hiệu… gói hàng này được cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của người dân từng vùng qua quá trình khảo sát thực tế. Nhờ cách làm thông minh này mà họ thậm chí tăng trưởng nhanh hơn trong khủng hoảng.
Đó là một ví dụ về thay đổi tư duy – thay đổi phương pháp để thích nghi với “bình thường mới”. An toàn, sức khỏe của khách hàng đặt lên hàng đầu chứ không phải tăng doanh số. Để kinh doanh, trước hết phải biết điều gì thật sự quan trọng. Đó là cách để giới chủ đạt được thành công.
Lãnh đạo thời kỳ VUCA phải đặt mục tiêu tái sinh chính mình bắt đầu từ Re – think. Đó là quá trình nhìn nhận lại, tái sinh lại và cũng là thực hiện chữ R đầu tiên trong công cụ 6R. Lãnh đạo là người cần thay đổi đầu tiên về cả mục tiêu và tầm nhìn. Lãnh đạo tập trung phòng ngừa sự cố chứ không phải xử lý sự cố. Lãnh đạo luôn tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống nguy hại.
Với những điều luận bàn trên, tôi tin rằng giới chủ đã sẵn sàng để bắt đầu thực sự thay đổi, sẵn sàng để kinh doanh thắng lợi.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu