Lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường “dưới báo cáo sao trên biết vậy”
Theo Điều 12, Luật Đất đai 2013, hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích là những hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 25, Điều 3 của luật này cũng nếu rõ hành vi hủy hoại đất là làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất… theo mục đích đã được xác định.
Hành vi hủy hoại đất có thể bị xử phạt lên đến 250 triệu đồng theo Điều 9, Nghị định 91/2019 của Chính phủ. Đồng thời phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất, nếu người vi phạm không chấp hành thì có thể bị thu hồi đất theo quy định.
Dù Luật và Nghị định quy định rất rõ nhưng trên thực tế, tại một số địa phương, việc quản lý đất nông nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức khiến đất đai bị xâm phạm, hủy hoại.
Sau khi được san lấp, những mảnh đất nông nghiệp sẽ được “hô biến” thành nhiều nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, nhà ở, dự án, trang trại một cách trái phép…
Video người dân san lấp đất nông nghiệp trái phép tại đầm Quai Vạc, xã Liên Hiệp
Vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã đăng tải bài viết xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ “San lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp trái phép?”, phản ánh tình trạng người dân san lấp đất nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, tự ý huỷ hoại đất nông nghiệp sang loại đất khác khiến cho quỹ đất nông nghiệp bị hao hụt, ảnh hưởng tới quy hoạch vành đai xanh, khu vực cung cấp lương thực, thực phẩm cho thủ đô bị đe doạ.
Liên quan đến nội dung này, sau nhiều lần liên hệ với lãnh đạo huyện Phúc Thọ, phóng viên đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Ly – Phó trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ. Tại buổi làm việc ngày 27/5/2024, bà Ly cho biết “ Sau khi báo chí phản ánh tình trạng san lấp trái phép hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại xã Liên Hiệp, phòng TN&MT có tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện kiểm tra và chỉ đạo xã rà soát hiện trạng theo phản ánh của báo chí. UBND huyện đã ra công văn số 951, ngày 02/5/2024, khẩn trương kiểm tra và làm rõ thông tin báo chí phán ánh, áp dụng biện pháp và lập hồ sơ xử lý vi phạm”.
Đại diện phòng TN&MT cho biết thêm: “Ngày 08/5/2024, Phòng đã cử cán bộ xuống kiểm tra tại khu vực Đầm Quai Vạc, xã Liên Hiệp nhưng ko phát hiện sai phạm, đất mà người dân san lấp xuống khu vực này là đất không phải là đất trạc thải như báo chí phản ánh?, chúng tôi sẽ xử lý nếu có vi phạm nhưng theo báo cáo của xã thì cũng không có sai phạm nên không thể xử lý và người dân đã hoàn thành xong việc cải tạo…”
Khi Phóng viên đưa ra các video, hình ảnh máy múc và hàng loạt xe ô tô đang ngang nhiên đổ đất lẫn trạc thải thì bà Ly cười và nói: “Lần trước, tôi chưa được xem video này, tôi chỉ được xem một phần bài viết. Clips cũng chưa thể hiện rõ lắm, có đất lẫn trạc thải, vật liệu xây dựng nhưng tại thời điểm kiểm tra chúng tôi không thể “đào bới” lên được, chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.
Có thể thấy những vi phạm đã rõ như ban ngày nhưng không hiểu vì sao lại có thể “qua mắt” được chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên trách là phòng TN&MT huyện Phúc Thọ. Theo như cách trả lời của vị Phó phòng TN&MT thì việc người dân cải tạo cho đất là tốt nhưng cơ quan nào sẽ đứng ra để giám sát việc thi công để thực hiện đúng phương án?. Sẽ có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp lợi dụng việc cải tạo để huỷ hoại mà Phòng TN&MT không nắm được?
Liệu chỉ với những số liệu báo cáo trên giấy có đủ cơ sở để đánh giá đúng bản chất sự việc? Những thửa đất nông nghiệp được “phù phép” kia sau một thời gian sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Hay như trước đó, các cơ quan báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều về tình trạng san lấp, huỷ hoại đất nông nghiệp tại xã Liên Hiệp. Sau đó là hàng loạt các lều lán, nhà xưởng không phép mọc lên, gây ra tình trạng hỗn loạn về quy hoạch, ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy… người dân mất đất canh tác, sản xuất.
Trước sự việc trên, dư luận hoài nghi về năng lực quản lý, lãnh đạo của Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, UBND xã Liên Hiệp? Trong sự việc này, Phòng TN&MT huyện Phúc Thọ đã làm hết trách nhiệm hay chưa, có hay không sự buông lỏng quản lý, thờ ơ cho sai phạm tồn tại?
Câu trả lời xin dành lại cho Thành Uỷ; HĐND; UBND Thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu