Lãnh cung đáng sợ trong Tử Cấm Thành

Các lãnh cung được tái hiện tương đối chân thật trên phim. Tuy nhiên, nơi này còn ẩn chứa nhiều bí mật đáng sợ khác.

Hoàng đế Trung Hoa thời xưa có khá nhiều thê thiếp. Theo Sina, một vị hoàng đế thường có khoảng 70 đến hàng trăm phi tần. Một số người được sủng ái, có thể leo lên ngôi vị cao hơn. Số khác bị lãng quên, ít chú ý. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất với họ là việc bị đày trong lãnh cung lạnh lẽo.

Tại sao bị đày vào lãnh cung?

“Làm bạn với bậc đế vương chẳng khác chơi với hổ”, tờ Sina nhận xét. Một trong những hình phạt kinh khủng nhất thê thiếp hay cung nữ phải nhận từ hoàng đế là đày vào lãnh cung. Tuy nhiên, lãnh cung không phải nơi mà mọi thê thiếp, cung nữ mắc tội đều được đưa vào.

Những người “được” đày vào lãnh cung phải có địa vị và nền tảng gia đình nhất định. Các cung nữ nếu mắc tội thường sẽ bị xử thẳng tay, nặng nhất là tử hình. Chỉ những người từ thiếp trở lên mới “may mắn” được vào lãnh cung. Dù vậy, điều này cũng tốt hơn bị xử tử.

lanh cung dang so trong tu cam thanh
Có những lãnh cung lạnh lẽo bên trong Tử Cấm Thành. Ảnh: Inf.

Các tội danh khiến họ bị đày vào lãnh cung khá nhiều, ví dụ xúc phạm người không được xúc phạm, nổi loạn, chống lại ý hoàng đế hay gây những tội ác tày trời.

“Người bị đày vào lãnh cung phải cởi bỏ áo lụa, satin… Họ chỉ được mặc bộ quần áo thông thường. Về cơ bản, khi vào lãnh cung, họ bị cô lập với thế giới. Thật khó để nhìn thấy thế giới bên ngoài lần nữa”, tờ iNews viết.

Không có vị trí cụ thể cho các lãnh cung. Tuy nhiên, điểm chung là chúng thường nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất kinh thành. Rất nhiều lãnh cung cũng nằm trong Tử Cấm Thành.

Người bị đày vào lãnh cung không được mang theo tùy tùng. Cả lãnh cung chỉ có một lối ra vào duy nhất để mang đồ ăn, thức uống vào hàng ngày. Lâu dần, người bị nhốt trong lãnh cung có thể trầm cảm, thậm chí phát điên.

Cuộc sống trong lãnh cung

Người bị đày vào lãnh cung không được mang theo tùy tùng. Cả lãnh cung chỉ có một lối ra vào duy nhất để mang đồ ăn, thức uống vào hàng ngày.

Vào cuối triều đại nhà Thanh, thời hoàng đế Quang Tự, Trân phi là phi tần được ông hết mực sủng ái. Tuy nhiên, người này có nhiều hành động ngông cuồng khiến Từ Hi thái hậu không vừa lòng. Sau này, Trân phi bị Từ Hi thái hậu đày vào lãnh cung ở khu Đông Bắc Tử Cấm Thành trước khi sai người ném xuống giếng.

lanh cung dang so trong tu cam thanh
Lãnh cung không khác gì nhà tù. Ảnh: Inf.

Nhìn chung, dù không bị xử tử hay chưa bị xử tử, cuộc sống của những người trong lãnh cung cũng chẳng hề đơn giản. Họ phải sống cô độc ở nơi lạnh lẽo, điều kiện thiếu thốn. Theo iNews, điều kiện khác biệt so với cuộc sống trước kia khiến tinh thần của họ suy sụp. Việc thất sủng trong mắt hoàng đế càng khiến họ thêm sầu muộn.

Ngoài ra, những người này luôn phải nơm nớp lo sợ bị ai đó hãm hại trong thời gian sống tại lãnh cung. Một khi tinh thần bị hủy hoại bởi nhiều yếu tố như vậy, rất khó để họ tiếp tục cuộc sống. Nhiều người bị trầm cảm, phát điên, thậm chí tự tử. Cuộc sống nơi lãnh cung chẳng khác bị cầm tù.

Vùng cấm của Tử Cấm Thành

Ngày nay, Tử Cấm Thành không còn là nơi chỉ dành cho vua chúa. Nó được mở cửa để đón khách tham quan từ khắp nơi. Tuy nhiên, lãnh cung lại không mở cửa cho du khách ngắm nhìn. Theo iNews, có 2 lý do cho vấn đề này.

Thứ nhất, lãnh cung bị xem là nơi không đáng ghé thăm. Các lãnh cung đa số đã bị hư hại, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro khi tham quan. Chi phí để tu sửa cao nhưng số tiền thu lại không đáng kể. Do đó, những nơi này thường không được sửa chữa.

lanh cung dang so trong tu cam thanh
lanh cung dang so trong tu cam thanh
Lãnh cung là nơi không được ghé thăm ở Tử Cấm Thành. Ảnh: Sina.

Thứ hai, nơi này mang quá nhiều ký ức đau thương. Nhiều phụ nữ bất hạnh đã phát điên, bỏ mạng trong cung điện lạnh lẽo này. Vì vậy, nó không thực sự đáng để du khách tham quan. Thậm chí, nhiều người có thể thấy khó chịu khi bước vào.

“Nhìn ở góc độ nào, lãnh cung cũng là nơi không thực sự nên đến. Những cung điện này là một phần quan trọng của lịch sử. Tuy nhiên, tốt hơn hết, chúng ta nên để nó yên lặng bên dòng lịch sử ấy”, tờ iNews bình luận.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích