Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam: Nhiều công trình được đưa vào sử dụng chưa đúng quy hoạch ban đầu?
(Xây dựng) – Với mục tiêu xây dựng một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhiều khu đất, công trình tại Dự án Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang bị cho thuê, sử dụng chưa đúng với quy hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, có nhiều công trình không được sử dụng, quản lý hiệu quả dẫn đến tình trạng xuống cấp, bỏ hoang, làm xấu đi hình ảnh Làng Văn hóa.
Nhiều công trình để hoang hóa, lãng phí và xuống cấp. |
Dự án Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng VHDL) nằm trong khu vực Đồng Mô (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 667 phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng VHDL. Đến tháng 10/1999, Dự án Làng VHDL được khởi công xây dựng. Sau hơn 10 năm, đến tháng 9/2010, Làng Văn hóa đã chính thức khai trương, mở cổng Làng.
Theo Quyết định số 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2008 phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015: Quan điểm đầu tư phát triển là: Xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa của nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình khu kinh tế – văn hóa đặc thù, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu; Tạo cơ chế để đồng bào dân tộc và địa phương tham gia xây dựng Khu các làng dân tộc từ thiết kế, thi công đến vận hành, khai thác; Kết hợp hài hòa giữa đầu tư, xây dựng với quản lý, khai thác nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội…
Mục tiêu đến năm 2015: Toàn bộ Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được hoàn thành xây dựng và đi vào khai thác, vận hành. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia phục vụ khách trong nước và quốc tế.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1689/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo quyết định này, dự án Làng VHDL có tổng diện tích 1.544ha (gồm 605ha đất, 939ha đất có mặt nước), dự án có 7 khu chức năng gồm: Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí (125,22ha); Khu Các làng dân tộc Việt Nam (198,61ha); Khu Di sản văn hóa thế giới (46,5ha); Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha); Khu Công viên bến thuyền (341,53ha); Khu Cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha); Khu Quản lý điều hành văn phòng (78,5ha)…
Tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng VHDL. Theo đó, Ban Quản lý Làng VHDL là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với Làng VHDL theo quy định của pháp luật.
Tại khu đất đang chờ đầu tư ở vị trí cổng A Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí) biến thành khu vực cho thuê xe đua xe địa hình. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay Dự án Làng VHDL mới chỉ có khu Các làng dân tộc Việt Nam được đưa vào sử dụng để phục vụ khách du lịch, trong khi các khu chức năng khác bỏ hoang hóa, đang chờ đầu tư xây dựng. Điều đáng nói, dù đang trong quá trình chờ đầu tư nhưng những khu đất này đang bị cho thuê, hoặc sử dụng chưa đúng mục đích.
Có thể kể đến, tại khu đất đang chờ đầu tư ở vị trí cổng A Làng văn hóa (thuộc Khu Trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí – PV) thành điểm cho thuê đồ cắm trại, đua xe địa hình với tên gọi “Khu du lịch Đồng Mô Discovery”.
Tại Làng 3, khu vực nhà để xe ngựa nhằm tái hiện lại sinh hoạt của đồng bào miền Tây Nam Bộ phục vụ khách du lịch – công trình do Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách nhưng được cho thuê kinh doanh, bán hàng lưu niệm chưa đúng mục đích.
Làng VHDL chưa đạt được mục tiêu như kế hoạch đầu tư phát triển theo Quyết định số 540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |
Cũng theo ghi nhận, tại Làng VHDL có nhiều công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhưng không được sử dụng, quản lý hiệu quả để xuống cấp, bỏ hoang hóa, làm xấu đi hình ảnh của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Vừa qua, tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 2123/TB-TTCP thanh tra công tác quản lý Nhà nước về du lịch, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ nhiều sai phạm đối với dự án tại Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Thanh tra Chính phủ chỉ ra việc chưa giải quyết dứt điểm diện tích đất 8.600m2 có liên quan đến Trường sỹ quan phòng hóa thuộc Bộ Quốc phòng và giải quyết các tồn đọng trong việc thanh toán kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 16 hộ dân tại khu vực cổng B Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam của giai đoạn từ 2004 trở về trước; Chưa lập phương án khảo sát, xác định yêu cầu, quy mô đền bù giải phóng trong phần diện tích đất khoảng 68ha tại Khu G2 (khu tái định cư, nông trường) theo quy hoạch, để các hộ dân tiếp tục nuôi trồng, phát triển nông nghiệp.
Dự án chưa thực hiện công bố công khai đồ án quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 khu các làng dân tộc; còn một số sai sót và tồn tại trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán, công tác kiểm soát khối lượng, giá trị nghiệm thu thanh toán, các nội dung sai sót đã được chủ đầu tư điều chỉnh, thu hồi.
Dự án mới thu hút đầu tư được 01 dự án là Khu du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì Legend, chưa đạt được mục tiêu như kế hoạch đầu tư phát triển theo Quyết định số 540/QĐ-TTg của Thủ tướng; việc triển khai dự án còn rất chậm.
Cũng theo Kết luận Thanh tra, việc ký kết hợp đồng cho thuê đất giữa Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và Công ty Cổ phần Devyt (chủ đầu tư dự án Khách sạn Hải cảng Đồng Mô) không đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 và Thông tư số 333/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trịnh Ngọc Chung – Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng kế hoạch để triển khai Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Bộ ban hành kế hoạch, trên cơ sở đó Ban Quản lý Làng VHDL sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai Kết luận Thanh tra Chính phủ.
Đối với việc ký kết hợp đồng cho thuê đất giữa Ban Quản lý Làng và Công ty Cổ phần Devyt, ông Chung chia sẻ: Làng VHDL được cho thuê đất nhưng theo Luật Đất đai sửa đổi thì việc ký kết hợp đồng cho thuê thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Vì vậy, Kết luận Thanh tra cũng kiến nghị hướng dẫn Công ty Cổ phần Devyt hoàn thiện các thủ tục thuê đất. Những nội dung tại Kết luận Thanh tra tồn tại ở thời kỳ trước đó, thời gian tới sau khi có kế hoạch cụ thể Ban Quản lý Làng VHDL sẽ thành lập tổ công tác để triển khai từng bước một.
Nguồn: Báo xây dựng