Lạng Sơn: Tập trung phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2021, ông Phạm Hùng Trường – Chánh văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch covid-19 nhưng tỉnh Lạng Sơn vẫn tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra. Trong đó, thực hiện “mục tiêu kép” là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm mục đích vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

họp báo lạng sơn
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ quý III/2021 tại tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Việt Khoa)

Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn còn ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 – 2025. Bao gồm kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 cấp huyện; chỉ đạo đẩy nhanh tiến đô ̣lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030, xây dựng Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 cấp tỉnh.

Trong đó, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bao gồm: Thực hiện tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân; tăng cường quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng; chủ động phòng, chống thiên tai; triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng đó, thực quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm đang triển khai thực hiện như: Dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn, dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn…

Chỉ đạo tập trung hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Hữu Lũng; phối hợp triển khai lập Quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư khu công nghiệp Hữu Lũng. Trình HĐND tỉnh thông qua các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng như khu trung tâm du lịch phía Tây Mẫu Sơn, tỷ lệ 1/2000 và khu đô thị sinh thái và dịch vụ điểm đến chân núi Mẫu Sơn, tỷ lệ 1/2.000. Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung các dự án Nhà máy điện sinh khối, điện gió, điện rác vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Về tình hình phát triển, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế các lĩnh vực như: Sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế cửa khẩu; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công tác lập Quy hoạch tỉnh; Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và xúc tiến đầu tư; Công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước.

Trong đó, về công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công tác lập Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn cho biết sẽ triển khai tăng cường kiểm tra đôn đốc và hỗ trợ cho các dự án.

Cụ thể, về công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Lạng Sơn sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công các chương trình, dự án, tập trung vào các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện, dự án chuyển tiếp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tập trung công tác chuẩn bị đầu tư dự án, nhất là dự án khởi công mới năm 2022.

Với tổng số vốn đầu tư công năm 2021 là 2.911,8 tỷ đồng, tăng 5,4% (tăng 150 tỷ đồng). Giá trị khối lượng thực hiện các nguồn vốn đầu tư công trong 9 tháng ước 1.997 tỷ đồng, đạt 68,6% kế hoạch. Kết quả giải ngân các nguồn vốn ngân sách Nhà nước lũy kế 9 tháng là 1.817,9 tỷ đồng, đạt 65,8% kế hoạch Trung ương giao, đạt 67% kế hoạch địa phương giao chi tiết.

Về công tác lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn triển khai khẩn trương, bám sát tiến độ theo kế hoạch. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã hoàn thành đánh giá thực trạng, kết quả thực hiện quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2010 – 2020, đề xuất một số định hướng lớn, gửi đơn vị tư vấn tổng hợp.

Mặc dù vậy, nhưng tỉnh Lạng Sơn vẫn gặp một số khó khăn trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội như: Tiến độ công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án; công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhưng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng nhìn chung còn chậm. Bên cạnh đó, một số huyện cũng chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo bộ phận chuyên môn tập trung nghiên cứu chính sách, pháp luật để giải quyết dứt điểm các vấn đề thực tiễn phát sinh, còn lúng túng trong công tác chuyên môn, cũng như tư tưởng trông chờ hết đợt dịch mới tập trung triển khai thực hiện.

Về công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, tài nguyên khoáng sản tại một số nơi chưa chặt chẽ, tình trạng vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường còn xảy ra.

Từ đó, Lạng Sơn đã ra những nhiệm vụ nhằm hoàn thành lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 – 2025). Tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đô thị, quản lý tài nguyên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc tại Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng

Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 – Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 – Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT tại văn bản số 173/TTg-CN ngày 02/02/2018, nhằm hoàn thành và nối thông tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, từng bước hoàn thiện Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016.

Từ đó, UBND UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 1523/QĐ-UBND ngày 09/8/2018 bao gồm 02 dự án thành phần là Dự án thành phần 1: Tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Km45+100 – Kml08+500, kết hợp tăng cường mặt đường QL.l đoạn Km1+800 -Kml06+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn; Dự án thành phần 2: Tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng (Kml+800 – Km44+749,67), tỉnh Lạng Sơn.

Trong đó, hiện tại dự án thành phần 1 đã hoàn thành, vận hành khai thác từ tháng 1/2020; dự án thành phần 2 đã hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng, trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5/43,6km (đạt 20%), hiện nay nhà đầu tư đã huy động được vốn chủ sở hữu với số tiền 424 tỷ đồng; giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng 149,7 tỷ đồng, chi phí tư vấn 54,6 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác 37,2 tỷ đồng.

Nhưng trong quá triển khai Dự án thành phần 2 do gặp khó khăn trong thu xếp, huy động nguồn vốn thực hiện, nhà đầu tư và UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án và đã được Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương, chủ động lựa chọn phương án đầu tư phù hợp khả năng huy động nguồn vốn để sớm hoàn thành toàn tuyến cao tốc từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị, đảm bảo kết nối đồng bộ và hiệu quả tài chính.

Cùng với đó, tại văn bản số 114/VPCP-CN ngày 06/01/2021 của Văn phòng Chính phủ, giao UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục điều chỉnh Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng), báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đến nay Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn hỗ trợ nguồn ngân sách Trung ương, trong giai đoạn 2021 – 2025 là 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó, do điều chỉnh về quy mô đầu tư và cơ cấu nguồn vốn nên dự án từ không có sự tham gia của vốn ngân sách Nhà nước sang có vốn ngân sách Nhà nước tham gia hỗ trợ để đảm bảo quy mô đầu tư và hiệu quả khả thi của dự án.

Bên cạnh đó, ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó quy định quy mô đường Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là 6 làn xe (thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030).

Từ đó, việc  thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng với quy mô là 4 làn xe là không còn phù hợp với quy hoạch được duyệt, do vậy Lạng Sơn đã phối hợp với nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư UDIC – Công ty cổ phần Ligogi 16 – Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh đề xuất phương án điều chỉnh quy mô tuyến phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 đã được duyệt.

Trong đó, dự án được điều chỉnh và phân kỳ theo 2 giai đoạn tách biệt, gồm: Giai đoạn 1 (2021 – 2025) thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe theo quy hoạch được duyệt. Với đoạn cao tốc từ Km1+800 (cửa khẩu Hữu Nghị) – Km44+749 (huyện Chi Lăng), nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16,0m (gồm 4 làn xe 4×3,5m=14m; DPC giữa và dải an toàn rộng 3×0,5m + 2×0,25m =2m; lề đất Blề là 2×0,5=1,0m).

Và giai đoạn 2 (thực hiện sau năm 2025) hoàn thiện quy mô mặt cắt ngang tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng, chiều dài 43km hoàn thiện 6 làn xe; Đầu tư tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đảm bảo việc kết nối tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về mức đầu tư cho giai đoạn 1 lên tới 6.648 tỷ đồng, được phân ra về cơ cấu nguồn vốn Nhà nước là 3.300 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư là 3.348 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.317 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị là 4.072 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 407 tỷ đồng; chi phí dự phòng 670 tỷ đồng, chi phí lãi vay là 182 tỷ đồng.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích