Lạng Sơn: Phát triển trung tâm logistics kích cầu thương mại biên giới
(Xây dựng) – Với lợi thế là tỉnh có đường biên giới quốc gia Việt Nam – Trung Quốc dài 231,74km, Lạng Sơn luôn chú trọng phát triển hạ tầng thương mại biên giới. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng trung tâm logistic kết nối vùng và khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn có bước phát triển tích cực. |
Xuất nhập khẩu hàng hoá tăng trưởng tích cực
Lạng Sơn là tỉnh có vị trí “cửa ngõ” quốc gia, quốc tế, kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN và ngược lại, hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một trung tâm logistics hiện đại. Trong những năm qua, trên cơ sở tận dụng các tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã tập trung vào việc vào việc đầu tư phát triển đồng bộ dịch vụ logistics gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu và xuất, nhập khẩu, thương mại biên giới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 39 doanh nghiệp đầu tư dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, bãi xe tại khu vực cửa khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 28 kho bảo quản hàng hóa tại các cửa khẩu (8 kho lạnh và 20 kho hàng khô). Tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 23 bến bãi xe tại các cửa khẩu nhằm phục vụ xe lưu chuyển xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua cửa khẩu.
Các dịch vụ kho bảo quản hàng hóa, các bến, bãi xe tại cửa khẩu cơ bản đã được đầu tư xây dựng đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, lưu thông hàng hóa an toàn theo quy định, qua đó đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp XNK hàng hóa qua địa bàn.
Bà Hà Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết, năm 2012 và 2013, năng lực thông quan tại cửa khẩu này chỉ đạt khoảng 500 đến 600 phương tiện chở hàng hóa/ngày. Với việc được đầu tư mở rộng hạ tầng, đặc biệt là việc phát triển dịch vụ kho hàng hóa, bến bãi…, năng lực thông quan tại cửa khẩu này hiện đã tăng hơn 2 lần.
Ngoài Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, với việc được đầu tư nâng cấp hạ tầng cũng như triển khai đầy đủ các dịch vụ logistics (kho, bến, vận chuyển hàng hóa, các dịch vụ liên quan…), tại các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh, năng lực thông quan cũng được nâng lên đáng kể.
Năng lực thông quan tại Cửa khẩu Chi Ma đạt trung bình 600 xe/ngày. |
Thống kê của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn cho thấy, năng lực thông quan tại Cửa khẩu Tân Thanh thời điểm này có thể đạt 600 – 700 xe/ngày; năng lực thông quan tại Cửa khẩu Chi Ma đạt trung bình 600 xe/ngày. Đối với cửa khẩu Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng có thể đạt 120 toa xe chở hàng/ngày. Năng lực thông quan tại các cửa khẩu đều tăng gấp đôi so với những năm 2012, 2013.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế cửa khẩu có bước phát triển tích cực, hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao (trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên đến gần 1.500 lượt xe/ngày).
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 46.362,2 triệu USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ. Tính riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt 4.005 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó xuất khẩu 1.874,1 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ; nhập khẩu 2.130,8 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ). Xuất khẩu hàng địa phương ước 122 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh xây dựng trung tâm logistics quy mô, hiện đại
Với định hướng hình thành trung tâm logistics tầm cỡ, thúc đẩy giao thương qua biên giới, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics.
Từ năm 2022, tỉnh đã triển khai nền tảng cửa khẩu số và thường xuyên nâng cấp hệ thống này, góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quản lý và vận hành chuỗi cung ứng.
Với quyết tâm cao độ trong thực thi chính sách, kỳ vọng trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ sớm trở thành trung tâm logistics hiện đại. |
Để ngành logistics tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, tỉnh Lạng Sơn đang cùng với các nhà đầu tư đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng logistics. Đơn cử như dự án cảng cạn Lạng Sơn với quy mô 75 ha đang được tỉnh kêu gọi đầu tư, nằm trong tổ hợp khu phi thuế quan.
Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ của các dự án logistics quan trọng như khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất 1, hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc khu phi thuế quan. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp logistics nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn. Tỉnh cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng logistics thông qua việc rà soát các quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải. Đồng thời, việc nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới và đường ra các cửa khẩu cũng sẽ được thực hiện, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời với quyết tâm cao độ trong thực thi chính sách, kỳ vọng trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ sớm trở thành trung tâm cung cung ứng dịch vụ logistics quy mô, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.
Nguồn: Báo xây dựng