Lạng Sơn: Phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và hưởng chính sách

(Xây dựng) – Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và đối tượng hưởng chính sách. Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn vừa có Tờ trình số 168/TTr-SXD về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lạng Sơn: Phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và hưởng chính sách
Lạng Sơn phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ảnh: Phượng Nguyễn).

Định hướng phát triển nhà ở

Mục tiêu phát triển nhà ở của tỉnh Lạng Sơn sẽ đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách. Thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển, hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất. Dự báo nhu cầu nhà ở tại đô thị và nông thôn, xã hội, công nhân tại các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của tỉnh.

Trên cơ sở mục tiêu chiến lược phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt khoảng 28,0m2 sàn/người, trong đó tại khu vực đô thị đạt 34,0m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 25,43m2 sàn/người. Đến năm 2030, đạt khoảng 35,0m2 sàn/người, khu vực đô thị đạt 39,0m2 sàn/người và khu vực nông thôn đạt 32,33m2 sàn/người. Đến năm 2045, đạt khoảng 38m2 sàn/người.

Về chất lượng nhà ở kiên cố đến năm 2025 đạt 65%, giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và đơn sơ xuống dưới 2,5%. Đến năm 2030, chất lượng nhà kiên cố đạt 85%, giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và đơn sơ xuống dưới 1%. Đến năm 2045, xóa bỏ loại hình nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.

Theo kế hoạch phát triển diện tích sàn nhà theo loại hình nhà ở giai đoạn 2021-2025, sẽ tăng 322.330m2 sàn nhà ở thương mại, tương đương khoảng 1.439 căn nhà xây dựng mới; tăng 51.740m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 796 căn nhà xây dựng mới; nhà ở của người dân tự xây dựng, giai đoạn 2021-2025 diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng 4.150.000m2 sàn, tương ứng khoảng 19.762 căn nhà. Nhà ở theo các Chương trình mục tiêu hỗ trợ xây dựng 4.423 căn nhà ở cho hộ nghèo tương ứng 265.380m2 sàn; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng được thực hiện theo các Đề án được ban hành.

Trong giai đoạn 2026-2030 phát triển tăng 2.487.940m2 sàn nhà ở thương mại tương đương khoảng 10.905 căn nhà xây dựng mới; tăng 143.260m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 2.204 căn nhà xây dựng mới. Nhà ở công vụ tăng 2.700m2 sàn nhà ở, khoảng 27 căn nhà. Nhà ở của người dân tự xây dựng trong giai đoạn 2026-2030 diện tích sàn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng 5.500.000m2 sàn, tương ứng khoảng 26.190 căn nhà. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhà ở theo chương trình mục tiêu như hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở, các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có nhà ở trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (bão, lũ, sạt lở đất…).

Giải pháp phát triển các dự án

Để nâng cao hiệu quả chương trình trong giai đoạn tiếp theo, Lạng Sơn đã đề ra nhiều giải pháp. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ trên địa bàn nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị, trong đó, chú trọng xã hội hóa đầu tư xây dựng. Khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê trên cơ sở vận dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Xem xét áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách thuê, thuê mua… Ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với nhà đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp. Đảm bảo phát triển dự án nhà ở phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực thông qua cơ chế đánh giá các khu vực dự kiến phát triển nhà ở phải phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực trước khi đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm.

Lạng Sơn: Phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và hưởng chính sách
Phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách (ảnh minh họa).

Với hệ thống giao thông được phát triển đồng bộ, bảo đảm tính liên hoàn, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, trong vùng. Ưu tiên đầu tư và cải tạo, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, đầu tư phát triển giao thông cho các đô thị, các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung, các vùng định canh định cư và vùng biên giới gắn với quốc phòng an ninh. Dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư và chủ động trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và các công trình, dự án trọng điểm khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong quá trình lập quy hoạch đô thị, thực hiện điều chỉnh, quy hoạch lại, tái thiết các khu dân cư hiện hữu theo hướng giảm mật độ tập trung dân cư kết hợp mô hình nhà ở cao tầng hiện đại, đảm bảo đồng bộ hạ tầng hoặc có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu dân cư hiện hữu; ưu tiên triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại tại các vị trí tiếp cận thuận tiện với các trục giao thông công cộng lớn.

Với các khu vực trung tâm đô thị có yêu cầu cao về quản lý cảnh quan, ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án, tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại, sinh thái, ưu tiên quy hoạch phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, từng bước chuyển đổi mô hình sang nhà ở chung cư cao tầng hiện đại đảm bảo chất lượng về không gian kiến trúc. Khuyến khích phát triển các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, phù hợp với văn hóa, phong tục của địa phương, tạo điểm nhấn cho đô thị tỉnh, ứng dụng các công nghệ thông minh tại các dự án phát triển nhà ở. Tăng cường hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thông qua phương thức đấu giá, đấu thầu cho các dự án phát triển đô thị, nhà ở, nhà ở xã hội… trên địa bàn.

Ngoài ra, để thị trường bất động sản nhà ở phát triển lành mạnh, Lạng Sơn cần quản lý chặt chẽ việc sang nhượng đất đai, nhà ở. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, tài sản gắn liền trên đất. Tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản trong đó có hoạt động môi giới kinh doanh nhà ở của các tổ chức, cá nhân. Triển khai xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/06/2022 của Chính phủ. Cũng theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn, sẽ dành cho các đối tượng được hưởng chính sách, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ công chức, viên chức, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, người có công cách mạng, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở và các nhóm đối tượng còn lại theo Điều 49 Luật Nhà ở.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích