Lạng Sơn: Hội Đầu Pháo – Điểm nhấn trong lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ

(Xây dựng) – Ngày 7/3, tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đã diễn ra Hội Đầu Pháo cùng nhiều trò chơi dân gian khác trong lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân và du khách từ các địa phương.

Lạng Sơn: Hội Đầu Pháo - Điểm nhấn trong lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ
Đoàn rước kiệu từ đền Kỳ Cùng đưa Quan lớn Tuần Tranh đến chơi hội, tạ ơn Tả Đô Đốc Hán Quận Công Thân Công Tài, tại đền Tả Phủ – Kỳ Lừa.

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ mang đậm nét truyền thống của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn đối với Tả Đô Đốc Hán Quận Công Thân Công Tài và Quan lớn Tuần Tranh – hai vị quan đã có công xây dựng và phát triển vùng đất Lạng Sơn cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

Lễ hội đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân xứ Lạng xưa và nay, là dịp để nhân dân các dân tộc xứ Lạng gặp gỡ, hội tụ, vui chơi và thực hiện những nghi lễ, cầu cho cuộc sống tốt đẹp, một năm mới no đủ, hạnh phúc.

Lạng Sơn: Hội Đầu Pháo - Điểm nhấn trong lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ
Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Lừa.

Theo truyền thuyết lịch sử, lễ hội Đầu Pháo thể hiện lòng nghĩa hiệp của viên tướng thời Hậu Lê là Thân Công Tài đối với một viên quan nhà Trần là Tuần Tranh. Vì cảm phục lòng nghĩa hiệp của ông, Thân Công Tài đã có công viết sớ về tâu với Vua để minh oan cho ông Tuần Tranh nên hàng năm nhân dân địa phương đã mở hội rước ông Tuần Tranh (từ đền Kỳ Cùng) lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài (đền Tả Phủ).

Lạng Sơn: Hội Đầu Pháo - Điểm nhấn trong lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ
Chật cứng tại lễ hội Đầu Pháo bên sông Kỳ Cùng.

Tâm điểm của lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ là màn tranh Đầu Pháo, diễn ra tại khu vực phía trước đền Tả Phủ. Theo Ban tổ chức lễ hội, Đầu Pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong Đầu Pháo người ta để một vòng kim loại, nối với Đầu Pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát mặt đất. Khi pháo được đốt, Đầu Pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống rồi xông vào tranh cướp.

Tín ngưỡng ở đây tin rằng, người nào tranh được đầu pháo thì đem đến trình báo với nhà đền, sau đó Ban tổ chức sẽ thông báo và vinh danh, tặng thưởng rồi rước về tận nhà để tạ ơn tổ tiên. Gia đình người tranh được đầu pháo sẽ có một năm gặp nhiều may mắn, tài lộc. Đến ngày 20 tháng Giêng năm sau người tranh được đầu pháo, phải mang đầu pháo và lễ vật đến đền tạ ơn và trả lại nhà đền.

Lạng Sơn: Hội Đầu Pháo - Điểm nhấn trong lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ
Thi lợn quay tại lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ.

Với ý nghĩa truyền thống lịch sử, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn trong lễ hội đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa đến tham dự, tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi cho cả một vùng thành phố trong những ngày xuân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích