Lạng Sơn duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Chi Lăng

(Xây dựng) – UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ký Quyết định 1318/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2035, tỷ lệ 1/5000 với kinh phí đợt đầu đến năm 2035 khoảng 400.642,0 triệu đồng. Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Chi Lăng khoảng 2.062ha. Trong đó, quy mô lập quy hoạch khoảng 1.295ha, quy mô diện tích núi đá khớp nối, cập nhật số liệu khoảng 767ha.

lang son duyet dieu chinh quy hoach chung thi tran chi lang
Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan thị trấn Chi Lăng.

Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Chi Lăng: Phía Đông Bắc giáp xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng), phía Tây Bắc giáp xã Y Tịch (huyện Chi Lăng), phía Tây Nam giáp xã Hòa Lạc (huyện Hữu Lũng), phía Đông Nam giáp ranh giới tỉnh Bắc Giang.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm đạt các chỉ tiêu về quy mô diện tích, dân số, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V theo định hướng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng và phù hợp với chiến lược phát triển quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành lĩnh vực khác. Xác định các nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đối với khu chức năng, các không gian đặc trưng tại khu vực lập quy hoạch, xác định khung kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đề xuất quy định quản lý quy hoạch, làm cơ sở để lập các đồ án quy hoạch chi tiết, hoạch định kế hoạch đầu tư, phân kỳ đầu tư, hạng mục ưu tiên và nguồn lực thực hiện cho các dự án đầu tư hạ tầng ngắn hạn, dài hạn trên địa bàn thị trấn. Quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên hợp lý. Tạo mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo lập hình ảnh đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, hội nhập với sự phát triển chung của vùng và khu vực, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2035 và tăng trưởng kinh tế. Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thị trấn gắn với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương; cải thiện và bảo vệ môi trường bền vững; góp phần ổn định đời sống của nhân dân trong vùng quy hoạch…

Quy hoạch bao gồm 5 phân khu chức năng. Cụ thể: Phân khu 1 là khu công nghiệp, kho tàng, logistic. Phân khu 2 là đô thị, phát triển đô thị kết hợp thương mại dịch vụ hậu cần công nghiệp. Phân khu 3 phát triển nông sản đặc trưng Na Chi Lăng kết hợp mô hình du lịch canh nông. Phân khu 4 chỉnh trang đô thị hiện hữu kết hợp phát triển đô thị mật độ thấp. Phân khu 5 phát triển đô thị sinh thái mật độ thấp kết hợp phát triển du lịch.

Nội dung điều chỉnh tổ chức không gian bao gồm định hướng phát triển các trục cảnh quan và văn hóa địa phương với lợi thế của thị trấn Chi Lăng dọc theo sông Thương. Tạo ra các công viên, các không gian chuyên đề bám dọc theo sông Thương tạo thành chuỗi không gian xanh liên hoàn. Các công viên chuyên đề bao gồm khu vui chơi giải trí, khu công viên trung tâm khu dân cư ven sông, khu trải nghiệm sinh thái. Phát triển du lịch dựa trên yếu tố cảnh quan và văn hóa địa phương với lợi thế của thị trấn Chi Lăng có hệ thống di tích lịch sử, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên.

Theo quy hoạch được điều chỉnh thì đây sẽ là khu vực đô thị nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại, chủ lực hướng tới công nghiệp. Là đầu mối giao thông quan trọng phía Nam của tỉnh Lạng Sơn, phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp trên trục Quốc lộ 1A Lạng Sơn – Hà Nội. Đồng thời quy hoạch được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược, vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Chi Lăng thực hiện bàn giao hồ sơ quy hoạch, công bố rộng rãi nội dung đồ án quy hoạch theo quy định để nhân dân được biết, giám sát thực hiện. Phê duyệt các quy hoạch chi tiết theo thẩm quyền, lập chương trình, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn. Đầu tư xây dựng và cải tạo chỉnh trang đô thị trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư hợp pháp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích