Lạng Sơn động thổ Dự án nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km18 – Km80
Dự án sẽ thúc đẩy kết nối giữa tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, tạo dư địa phát triển kinh tế – xã hội các huyện Lộc Bình, Đình Lập trong nhiều năm tới. Trước đó, tại văn bản số 913/VPCP-CN ngày 15/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc đầu tư Dự án nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km18 – Km80, tỉnh Lạng Sơn.
Chính phủ đánh giá, Quốc lộ 4B có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn và cả nước.
Đây là tuyến huyết mạch kết nối Lạng Sơn với Quảng Ninh, TP. Hải Phòng. Phục vụ vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của các tỉnh ra cửa khẩu Chi Ma, Bản Chắt của tỉnh Lạng Sơn; kết nối với cửa khẩu Móng Cái và các Khu du lịch Hạ Long, Bái Tử Long, sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Riêng đoạn từ Km18 – Km80 có vai trò liên kết các khu du lịch trên tuyến hành lang Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh như: Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn (Lạng Sơn) – Trà Cổ, Hạ Long, khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) – đảo Cát Bà (Hải Phòng).
Đồng thời, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh, phát triển công nghiệp. Cùng với tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng đã và đang được đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối giao thông hoàn chỉnh trong khu vực, đồng thời củng cố quốc phòng, an ninh giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Song, đoạn từ Km18 – Km80, nối Khu du lịch Mẫu Sơn đi các huyện Lộc Bình, Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đang xuống cấp nghiêm trọng. Và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cũng như vùng Đông Bắc.
Do đó, dự án nâng cấp đoạn Km18 – Km80 Quốc lộ 4B, kết nối liên vùng kỳ vọng sẽ tạo dư địa phát triển mới cho Lạng Sơn.
Theo phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải, dự án Nâng cấp đoạn Km18 – Km80 quốc lộ 4B có tổng chiều dài tuyến 62,56km, tổng mức đầu tư hơn 2.296 tỷ đồng.
Chủ đầu tư thực hiện dự án là Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn. Ngay sau khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án. Phấn đấu cơ bản thi công hoàn thành trong năm 2024.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn cho hay, hiện chủ đầu tư đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu đối với tổng cộng 9 gói thầu. Thực hiện xong bước phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đoạn Km18 – Km43. Đã thực hiện ký hợp đồng với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát gói thầu thi công xây dựng công trình đoạn Km18 – Km43.
Đối với đoạn từ Km43 – Km80, chủ đầu tư đang tích cực thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm lựa chọn nhà thầu trong tháng 1/2024, để đồng loạt triển khai thi công đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu năm 2024.
Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Lạng Sơn giao UBND huyện Lộc Bình và Đình Lập làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư dự án.
Đến thời điểm cuối tháng 12/2023, huyện Lộc Bình đã bàn giao một phần mặt bằng để chủ đầu tư triển khai xây dựng mới 3 vị trí cầu. Gồm cầu Háng Cáu tại Km18+266 với chiều dài 37,25m; cầu Bản Tấu tại Km25+463 dài 210,5m và cầu Nà Lằng 2 tại Km27+662 dài 64m và một số vị trí cống hộp khẩu độ lớn trên tuyến. Huyện Đình Lập đang thực hiện kiểm đếm khu tái định cư và tuyến chính của dự án.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn cho biết thêm, tiến độ dự án có đáp ứng được yêu cầu đề ra và phát huy hiệu quả hay không phụ thuộc vào kết quả thực hiện bàn giao mặt bằng của các địa phương. Vì vậy, Sở thường xuyên phối hợp với UBND hai huyện Lộc Bình, Đình Lập để hỗ trợ tối đa địa phương thực hiện các công việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Đây cũng là công trình xây dựng theo tuyến có chiều dài lớn, ảnh hưởng đến đất đai, vật kiến trúc, hoa màu của người dân. Vì vậy chủ đầu tư mong muốn UBND hai huyện Lộc Bình, Đình Lập, cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân và các hộ ảnh hưởng trực tiếp, đồng thuận ủng hộ bàn giao mặt bằng để dự án được triển khai theo kế hoạch.
Đặc biệt, UBND các huyện Lộc Bình, Đình Lập và các sở, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ, tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để tiến độ dự án đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đồng thời, chủ đầu tư cũng mong Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc trong quá trình triển khai dự án./.