Lạng Sơn: Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
(Xây dựng) – Thời gian gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi, gây ra thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn.
Mưa lớn gây ngập úng đường giao thông tại thôn Suối Mạ, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng. |
Để chủ động ứng phó với thiên tai đảm bảo an toàn trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các huyện, thành phố chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra, nhất là phương án ứng phó với mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất. Xác định khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão. Tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.
Tổ chức rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có sườn dốc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Chủ động tổ chức di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Yêu cầu UBND huyện Lộc Bình tập trung chỉ đạo UBND xã Tam Gia (khu vực nguy cơ cao sạt lở đất tại Km27+400 đường tỉnh ĐT.237 thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình) thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở đất. Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với mưa lớn kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Yêu cầu UBND thành phố Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, theo dõi chặt chẽ và khắc phục hậu quả với sạt lở đất trên dọc tuyến đường Văn Vỉ. Đặc biệt tại 02 vị trí số nhà 305 và các hộ dân quanh số nhà 283 đường Văn Vỉ đã sạt lở nguy cơ rất cao về sạt lở tiếp, di dời dân đến nơi an toàn.
Yêu cầu UBND huyện Cao Lộc tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả do sạt lở đất nghiêm trọng tại Km16 ĐT.234B (Quốc lộ 1A cũ) thuộc thôn Sài Hồ, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc. Tiếp tục rà soát, theo dõi thường xuyên diễn biến mưa, lũ và diễn biến cung sạt trượt trên địa bàn.
Xây dựng phương án khắc phục đảm bảo an toàn lâu dài. Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng cấp huyện và huy động các nguồn lực khác kịp thời hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo theo các quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật liên quan, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.
Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Các đơn vị kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ, đập. Nhất là các hồ xung yếu đang thi công.
Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động chỉ đạo, tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Nguồn: Báo xây dựng