Làng nông nghiệp thông minh kết hợp với du lịch trải nghiệm không gian văn hóa Tây Nam Bộ
(Xây dựng) – Đó là nội dung đồ án của sinh viên Nguyễn Thị Bảo Ly – trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Đồ án đã xuất sắc đoạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2023.
Sinh viên Nguyễn Thị Bảo Ly – trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. |
Tìm kiếm giải pháp kiến trúc cảnh quan cho khu vực
Xuất phát từ tình cảm gắn bó đặc biệt với không gian nông thôn Tây Nam Bộ, sinh viên Nguyễn Thị Bảo Ly đã thực hiện nghiên cứu về “Cảnh quan vùng nông nghiệp”, tìm ra giải pháp về mặt cảnh quan dành cho nơi được coi là “Miền di sản” đang đứng trước nguy cơ bị xóa nhòa trong bối cảnh đô thị hóa. Khu vực được lựa chọn nghiên cứu là vùng nông nghiệp lâu đời tại xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
“Điểm đặc biệt của đồ án chính là việc tôi tìm đến khu vực không có yếu tố cảnh quan mạnh để khai thác. Tôi chọn vấn đề khác biệt, không hướng tới thiết kế đẹp, to lớn mà hướng tới việc xây dựng giải pháp thiết kế cảnh quan có thể giúp ích cho người dân”, Ly cho biết.
Mặt bằng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan. |
Theo tác giả, trước bối cảnh đô thị hóa, việc rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần của dân cư vùng nông thôn là mục tiêu hướng đến tại các vùng đất gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, đi đôi với cải tiến là sự phải nhạt dần bản sắc nông thôn.
Mặt khác, việc phát triển lấy kinh tế đặt lên hàng đầu bằng cách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đã dần hình thành các khu vực dân cư khuôn mẫu, không có chiều sâu của giá trị lịch sử, văn hóa – bản sắc cộng đồng vốn có.
Do vậy, cần xây dựng giải pháp thiết kế để cải thiện và giải quyết vấn đề của cảnh quan vùng nông nghiệp như: Nnâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp qua việc kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất bằng việc bổ sung khu chức năng và các mô hình canh tác mới, tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu; cải thiện dân sinh cho dân cư vùng nông thôn thông qua việc khai thác du lịch cộng đồng… Những giải pháp thiết kế sẽ tạo nên một trạm lưu trữ sống, lưu giữ và chuyển tải hồn và chất của không gian làng quê nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nam Bộ.
Chợ nông sản thiết kế theo hình xuồng ba lá, phương tiện thân thuộc của người dân. |
Về ý tưởng thiết kế, tổ chức không gian làng nông nghiệp thông minh xoay quanh 3 yếu tố động lực – cốt lõi – tiềm năng. Tác giả đã xây dựng tuyến hành trình “xuôi dòng ký ức” với chợ nông sản truyền thống, sân chơi tuổi thơ, không gian farmstay trải nghiệm cùng người dân, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, trải nghiệm nông nghiệp ở hình thức mới, đồi lộng gió, không gian văn hóa Tây Nam Bộ và khu nghỉ dưỡng.
Thiết kế gần gũi với đời sống của người dân Tây Nam Bộ
Cụ thể, trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp sẽ được thực hiện theo mô hình nông nghiệp thích ứng. Kiến trúc cảnh quan được tổ chức theo khu vực canh tác mô hình vườn đứng và mô hình rẫy nổi. Sân chơi cộng đồng được lấy cảm hứng từ những trò chơi dân gian gắn với tuổi thơ, từ đó thiết kế không gian phù hợp và sử dụng vật liệu gắn liền với đời sống vùng quê Tây Nam Bộ như: Tre, trúc, rơm, gỗ ván…
Chợ nông sản thiết kế theo hình xuồng ba lá – phương tiện thân thuộc của người dân, yếu tố đặc trưng trong họp chợ nổi. Công trình sử dụng vật liệu thân thuộc và có sẵn. Hệ thống chiếu sáng bằng ống tre tạo hình thành những dãy lam uốn lượn kết hợp các khoảng trống và đèn hắt sáng.
Cảnh quan miệt vườn với vườn cây ăn trái, ao cá và vườn rau bao quanh công trình lưu trú. |
Vườn làng xóm hướng đến những khu vườn nhỏ, không gian gắn với hình ảnh đặc trưng như ao sen, bụi tre khóm trúc, hàng cau. Không gian văn hóa Tây Nam Bộ được tái hiện theo tiến trình phát triển và thay đổi của cảnh quan sông nước, cảnh quan cư trú, sản xuất đều gắn với dòng chảy của nước; sử dụng chất liệu truyền thống ở hình thức hiện đại.
Bên cạnh đó, farmstay nhà vườn mang kiến trúc và cảnh quan đặc trưng của khu vực nói riêng và vùng nông thôn Tây Nam Bộ nói chung. Cảnh quan miệt vườn với vườn cây ăn trái, ao cá và vườn rau bao quanh công trình lưu trú nhà vườn ngói đỏ. Ngoài ra còn có một số không gian tái hiện lại hình ảnh mang đậm văn hóa xưa như bếp củi, nhà ven sông…
Khu nghỉ dưỡng “Hương Đồng” có các không gian chức năng thiết kế dưới dạng chống cột, hạn chế xây dựng cứng, tăng khả năng thích ứng; ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương như ván gỗ dừa, lục bình đan, tre, mây và vật dụng trang trí gần gũi nhằm tận dụng tốt nguồn cung có sẵn, tăng tính nhận diện cho không gian…
Trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp sẽ được thực hiện theo mô hình nông nghiệp thích ứng. |
Theo sinh viên Nguyễn Thị Bảo Ly, hiện nay chưa có nhiều người nghiên cứu cảnh quan nông nghiệp, đa số đều thực hiện cảnh quan khu du lịch, khu sinh thái, sau đó mới áp dụng yêu tố nông nghiệp.
“Tôi đã lựa chọn thực hiện cho khu vực nông nghiệp ngay từ ban đầu, yếu tố du lịch chỉ là yếu tố bổ trợ cho đồ án. Do đó, trong quá trình thực hiện, tôi gặp khó khi tìm kiếm tài liệu tham khảo, chứng minh rằng đây là khu vực tiềm năng để khai thác cảnh quan. Tuy nhiên, tôi đã nhanh chóng giải quyết khó khăn, thực hiện tốt nội dung đồ án”, Ly chia sẻ.
Các yếu tố được sử dụng trong thiết kế không gian văn hóa Tây Nam Bộ. |
Theo Hội đồng chuyên ngành, đồ án của sinh viên Nguyễn Thị Bảo Ly có đề tài khá mới mẻ trong kiến trúc cảnh quan. Đồ án đã hướng đến việc cải thiện và giải quyết các vấn đề của vùng nông nghiệp; nghiên cứu kỹ lưỡng các đặc trưng văn hóa, cảnh quan, con người miền Tây Nam Bộ và đề xuất một mô hình làng nông nghiệp thông minh. Trong đó, các không gian phát triển nông nghiệp, canh tác thông minh xen kẽ với các khu farmstay nhà vườn và không gian văn hóa với cộng đồng dân cư địa phương là động lực phát triển.
Bằng các giải pháp thiết kế quy hoạch và cảnh quan, đồ án đạt được mục tiêu nâng cao giá trị sử dụng đất, cải thiện dân sinh cho cư dân vùng nông thôn, giữ gìn và truyền tải bản sắc văn hóa Tây Nam Bộ, đảm bảo sự hài hòa giữa yếu tố “cũ” và “mới” trong bối cảnh đô thị hóa. Đồ án có tính chất tiên phong trong việc tiếp cận, ứng xử và giải quyết các vấn đề của nông thôn một cách cẩn trọng, khoa học và bền vững.
Nguồn: Báo xây dựng