Lăng kính chứng khoán 10/7: Sớm hướng đến vùng kháng cự 1.300 điểm
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Thị trường đang có trạng thái tranh chấp mạnh vào cuối phiên 9/7 quanh ngưỡng 1.293 điểm, vùng đỉnh trong tháng 3/2024. Có khả năng vùng cản này vẫn còn gây áp lực rung lắc cho thị trường trong phiên giao dịch 10/7 nhưng dự kiến dòng tiền vẫn duy trì nỗ lực hỗ trợ khi thị trường lùi bước.
Đồng thời thị trường vẫn có cơ hội tiến sâu vào vùng kháng cự 1.293 – 1.310 điểm, vùng tiềm ẩn nguồn cung lớn, nhờ tác động hỗ trợ từ diễn biến khởi sắc gần đây.
Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường, nhưng cần thận trọng trước áp lực cung tại vùng kháng cự 1.293 – 1.310 điểm. Đồng thời, vẫn cần cân nhắc nhịp hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Thanh khoản và dòng tiền đều cho dấu hiệu phục hồi và nếu diễn biến này được duy trì ổn định, thị trường sẽ sớm tiến về mốc 1.300 điểm và những mốc điểm cao hơn.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư không nên mua đuổi những cổ phiếu đã tăng mạnh trong một số ít phiên trở lại đây. Thay vào đó, có thể tìm đến những mã bắt đầu có dòng tiền vào và đã có thời gian tích lũy tốt trong giai đoạn trước. Một số nhóm ngành đáng lưu ý là ngân hàng, chứng khoán, điện.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Ngắn hạn thị trường tiếp tục diễn biến tích cực, tuy nhiên VN-Index đang sớm hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn duy trì tỉ trọng hợp lý, tránh mua đuổi giá cao.
Nhà đầu tư trung – dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành. Hạn chế mua đuổi giá cao khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.300 điểm, vì đây không phải vùng giá thực sự hấp dẫn.
Tin vắn chứng khoán
– Bất động sản công nghiệp kỳ vọng “hưởng lợi” từ làn sóng đầu tư của ngành bán dẫn. Điển hình, Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn, từ đó mang lại lợi thế của bất động sản công nghiệp cho thị trường này. Về vị trí địa lý, Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.
– Xuất khẩu cao su Việt Nam cán mốc 1 tỷ USD. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 722 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định nhờ giá cao su đang ở mức cao, cùng với mức tiêu thụ liên tục ổn định.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu