Làng cổ hơn 4.000 năm thấy tiếng nhưng không thấy người ở Trung Quốc
Nếu có dịp tới thăm những ngôi làng ở cao nguyên hoàng thổ, miền bắc Trung Quốc, du khách sẽ không khỏi bất ngờ khi vẫn có thể nghe văng vẳng bên tai tiếng cười nói của mọi người nhưng nhìn quanh thì chẳng thấy bóng ai.
Trong hơn 4.000 năm, trên Cao nguyên hoàng thổ ở miền bắc Trung Quốc, con người đã cư trú trong các hang động được gọi là yaodong, tiếng Trung Quốc có nghĩa là “hang động trong nhà”. Một số ngôi nhà trong hang động này được xây trên các sườn đồi, trong khi số khác được đào thẳng đứng xuống để tạo thành một sân chìm, từ đó phòng ốc của căn nhà được mở ra theo chiều ngang.
Cao nguyên hoàng thổ, nằm xung quanh thung lũng sông Wei ở các tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử Trung Quốc vì nó đã hình thành nên một trong những cái nôi sớm nhất của nền văn minh Trung Quốc.
Cao nguyên được hình thành bởi sự tích tụ, bồi đắp đất cát do gió bão thổi dồn vào trong hàng triệu năm. Do đó, đất ở khu vực này thường rất màu mỡ, dễ canh tác và đào bới, khiến việc làm nhà trong hang được coi là một sự lựa chọn thích hợp.
Những ngôi nhà có sân được gọi là Yaodong (diêu động) đầu tiên xuất hiện vào thời nhà Hạ của Trung Quốc, khoảng 4.000 năm trước. Tuy nhiên, phải đến thời nhà Hán (năm 206 TCN-220 SCN), chúng mới bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Sự phổ biến của yaodong đạt đến đỉnh cao trong các triều đại nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1912). Thậm chí ngày nay, khoảng 40 triệu người được cho là vẫn đang sống trong những ngôi nhà hố như thời tổ tiên.
Loại yaodong phổ biến nhất là những loại được đào trên sườn và trên mặt cao nguyên. Người dân đào một hố vuông trên mặt đất, sau đó đào sâu xuống, mở rộng căn nhà theo chiều ngang. Lối vào những ngôi nhà thường qua một lối đi thoai thoải từ mặt đất xuống và các hành lang dưới mặt đất.
Mỗi yaodong thường có một căn phòng dài hình vòm với lối vào hình bán nguyệt được ngăn bởi một cánh cửa gỗ hoặc chăn bông. Các căn nhà tốt hơn nhô ra từ núi và được gia cố bằng gạch. Những ngôi nhà thường được xây liền kề nhau, tạo thành một ngôi làng nhỏ hoặc đơn giản chỉ là một gia tộc sống gần nhau.
Thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc có gần 10.000 ngôi nhà được xây dựng dưới lòng đất sâu 6-7 m. Những ngôi làng ở dưới lòng đất này mùa đông rất ấm áp, gió bấc không thổi tới, còn mùa hè thời tiết mát mẻ.
Chính quyền tỉnh Hà Nam cho biết họ có chính sách bảo vệ các địa điểm này và biến chúng thành điểm đến du lịch hấp dẫn của địa phương. Ngày nay, các ngôi làng vô hình dưới lòng đất đang rất thu hút sự chú ý của du khách. Bạn có thể thuê một phòng với giá 30 USD một tháng. Nếu bạn mua cả nhà với 3 phòng ngủ, một phòng tắm cùng sân chung, giá vào khoảng 40.000 USD.
Nguồn: Báo xây dựng