Lang Chánh (Thanh Hóa): Cơ hội mới cho ngành “công nghiệp không khói”
(Xây dựng) – Ngày 04/5/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng của Lang Chánh. |
Theo Quyết định, tổng diện tích dự án gồm 10.292ha, trong đó diện tích các điểm du lịch sinh thái 152ha bao gồm: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Pù Rinh 48ha; du lịch sinh thái thác Ma Hao 52ha; du lịch chăm sóc sức khỏe Làng Thiền 25ha; điểm du lịch Thung Bằng 12ha; điểm du lịch sinh thái đền Lê Lợi – ghế đá Lê Lợi 15ha.
Một số điểm du lịch, tham quan khác như: Thác Mây, thác 7 tầng; thác Xanh và thác Đá Đen; thác Ông, thác Bà; thác Hón Lối; điểm du lịch tâm linh Đền Mẫu – Chúa Thượng ngàn… gần 60 ha. Ngoài ra, còn có các tuyến du lịch Pù Rinh; Thác xanh – Làng Thiền – Đền mẫu; Đền Tên Púa – thác Hón lối – Làng Húng; Làng Thiền – Pù ma mút… cùng một số hạng mục khác.
Để đảm bảo nguyên tắc “Không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng, các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, giữ được bản sắc văn hóa, hạn chế tối đa phá vỡ cảnh quan hay bê tông hóa …”, quyết định nêu rõ, mật độ xây dựng gộp tối đa của khu du lịch, nghỉ dưỡng tổng hợp (resost) là 25%, chiều cao tối đa công trình không quá 12m.
Theo lộ trình thực hiện, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, giai đoạn 2 từ 2026-2030. Tổng kinh phí thực hiện 1.115,5 tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách Nhà nước dự kiến 158, 3 tỷ đồng; vốn kêu gọi đầu tư 898 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 59 tỷ đồng…
Dự án đặt mục tiêu, đến năm 2025 thu hút được ít nhất 50.000/du khách/năm trở lên. Trong đó, có 5% khách quốc tế, khách lưu trú qua đêm từ 20% trở lên, doanh thu hàng năm đạt ít nhất 60 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 1.150 lao động. Cùng với đó, dự án phải thu hút được 3 nhà đầu tư để liên doanh và thuê môi trường rừng phát triển du lịch.
Từ 2021-2025, tập trung đầu tư 2 điểm du lịch trọng điểm tại Pù Rinh, làng Thiền, bản Năng Cát và 9 điểm tham quan tại Đền Mẫu Chúa Thượng Ngàn, thác Mây, thác 7 tầng, thác Xanh, thác Đá đen, núi Chí Linh, đỉnh Pù Rinh A, Pù Rinh B, chùa Mèo; kết nối các điểm du lịch tạo thành 7 tuyến du lịch nội vi, 4 tuyến kết nối trong tỉnh và 2 tuyến liên tỉnh.
Với lợi thế sẵn có về du lịch, có thể nói mục tiêu giai đoạn 1 của dự án được đánh giá là khá khiêm tốn và khả thi. Tuy nhiên, với điều kiện là dự án phải được triển khai bài bản, tìm được nhà đầu tư xứng tầm, có đủ năng lực, tâm huyết và kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, có Quốc lộ 45 nối liền với thành phố Thanh Hóa, do địa hình dốc, bị chia cắt nên Lang Chánh có nhiều thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Ma Hao, thác Mây, thác 7 tầng… cùng với những cánh rừng nguyên sinh, các dãy núi hiểm trở, cao hàng nghìn mét như Ba Chóp, Pù Rinh, Pù Pa Mứt, Đồng Lin đỉnh chạm mây ngàn… soi bóng xuống dòng sông Mã. Tất cả đều nằm trong phạm vi rừng phòng hộ, rất phù hợp với du lịch khám phá, mạo hiểm.
Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch cộng đồng (homestay); là địa bàn sinh sống lâu đời của ba dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường, có cảnh quan hoang sơ với những nếp nhà gỗ, nhà sàn lâu đời ẩn mình bên vách núi, có các lễ hội mang sắc thái riêng biệt với trang phục truyền thống cùng các điệu Khắp, điệu Luống, điệu Xòe… rộn rã trong tiếng trống chiêng, tiếng khèn bè bổng trầm dìu dặt….
Là vùng đất được các nhà sử học đánh giá tối cổ, hình thành cùng sự xuất hiện của người Việt xưa. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, bên cạnh nền văn hóa, ẩm thực độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền, Lang Chánh còn có một nguồn tài nguyên du lịch phi vật thể quý báu, có thể nói là “độc nhất vô nhị”, không đâu có được, đó là những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại nửa hư, nửa thực, mang đậm nét liêu trai, kỳ bí, gắn với thời kỳ đầu gian khổ “nếm mật nằm gai” của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng giải phóng dân tộc Lê lợi (Vua Lê Thái Tổ) cầm đầu, người có công đánh đuổi, lật đổ ách đô hộ của nhà Minh xâm lược, giành lại giang sơn.
Những câu chuyện mang tính truyền thuyết, dã sử này thú vị ở chỗ, được gắn liền với những tên làng, tên núi, tên sông suối trên địa bàn Lang Chánh. Trong đó, có câu truyện đã trở thành huyền thoại, từng được nêu trong “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi. Theo truyền thuyết, sau một ngày luyện tập đánh trận, Lê Lợi cùng ba quân tướng sỹ dừng chân nghỉ bên dòng suối Láu, rượu hết, chỉ còn lại một vò duy nhất. Để tỏ tình đoàn kết, khích lệ ba quân, chủ tướng Lê Lợi sai người mang vò rượu đổ xuống suối rồi cả tướng, cả quân “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, cùng nhau múc nước suối uống.
Cạnh suối Láu có suối Vớ, địa điểm gắn với lời “sấm truyền” làm nức lòng quân sỹ “Lê Lợi vi Vương, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”. Theo giai thoại truyền lại, để động viên lòng quân, Nguyễn Trãi đã bí mật cho người dùng mật viết những chữ trên lên lá cây bên bờ suối Vớ, kiến rừng ăn mật, vô tình đục thủng lá cây làm hiện ra dòng chữ, cho rằng đây là ý trời, quân sỹ càng thêm sỹ khí, hăng say đánh giặc.
Ngoài suối Vớ và suối Láu, nơi đây còn có bản Năng Cát thuộc xã Trí Nang, tương truyền là do Lê Lợi đặt tên. Truyền thuyết kể rằng, vào một buổi chiều muộn, sau chặng hành quân băng rừng vượt núi, nghĩa quân Lam Sơn hạ trại, nấu cơm tại một bản nhỏ heo hút bên dòng suối vắng. Do suối cạn, lại do “quân lệnh như sơn”, chỉ được nghỉ trong khoảng hơn một canh giờ nên quân sỹ vội vàng vo gạo để cát suối lẫn vào. Lúc dùng bữa, thấy cát lẫn cơm, Lê Lợi đã đặt tên nơi đây là bản Năng Cát. Trải bao “vật đổi sao dời”, bản Năng Cát đã dần trở thành bản làng trù phú, tốt tươi. Tuy nhiên, những năm trước, cũng như các bản, làng, địa phương khác trong huyện, người dân nơi đây vẫn sinh sống, làm ăn theo kiểu khép kín, tự cung tự cấp, cam chịu nghèo khó, lạc hậu trên “kho vàng” tài nguyên, lợi thế về du lịch.
Cọn nước tại một bản của Lang Chánh – đặc trưng của miền núi xứ Thanh. |
Bước vào thời kỳ đổi mới, trong khoảng vài năm trở lại đây, sự heo hút, nghèo nàn của vùng đất này đã trở thành quá khứ. Khu du lịch sinh thái Năng Cát – thác Ma Hao, điểm du lịch cộng đồng xã Trí Nang, nằm dưới chân núi Pù Rinh đã trở thành điểm đến của nhiều du khách bốn phương.
Để nâng tầm, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu du lịch này, sau khi UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, ngày 26/3/2021, UBND huyện Lang Chánh đã công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát – thác Ma Hao với tổng diện tích 17,4ha, tổng mức đầu tư khoảng hơn 113 tỷ đồng.
Hiện tại, huyện đang tích cực phối hợp với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thác Ma Hao đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để tiến hành khởi công xây dựng dự án.
Thác Ma Hao là điểm thu hút du khách khi muốn hòa mình với thiên nhiên. |
Đến với Khu du lịch Năng Cát – thác Ma Hao nói riêng và cả huyện Lang Chánh nói chung, du khách sẽ có dịp hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đến nao lòng. Chiêm ngưỡng những ngọn thác, những đỉnh núi cao vời vợi, những cánh rừng già nguyên sinh xen lẫn rừng luồng xanh ngắt, những đồi cọ “xòe ô che nắng”. Nếu vì mải thưởng lãm cảnh sơn thủy hữu tình mà lạc bước đến với những bản làng nguyên sơ như bản Năng Cát (xã Trí Nang), bản Nàng Đang (Lâm Phú)… du khách còn được ngắm nhìn và nếu có nhu cầu sẽ thử sống vài ngày trong những ngôi nhà sàn cổ độc đáo, lâu đời của người Thái đen miền Tây xứ Thanh.
Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm nhịp sống bình lặng, đơn sơ của đồng bào dân tộc thiểu số. Với những đêm ngủ vùi trong tấm chăn thổ cẩm giữa đêm lạnh, lắng nghe những âm thanh bí hiểm của rừng già, thưởng thức những bữa ăn với rượu cần và đặc sản miền rừng, hòa mình vào những đêm lửa trại với những điệu xòe, điệu khặp cùng các nàng sơn nữ người Thái, người Mường mang trang phục rực rỡ sắc màu. Rồi những buổi chiều về trong tiếng mõ trâu lóc cóc, tiếng thác đổ ầm ào, sau chặng điền dã khám phá thiên nhiên, dừng lại rửa chân bên dòng suối, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ trong ánh hoàng hôn… tất cả sẽ tạo cảm giác khó quên cho du khách rời khỏi vùng đất này.
Chùa Mèo – điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến Lang Chánh. |
Cùng với những lợi thế “trời ban”, Lang Chánh còn có một số điểm du lịch tâm linh không nên bỏ qua, trong đó có chùa Mèo (còn có tên là chùa Chu), được xây dựng từ thế kỷ XIII. Ngôi cổ tự này do công chúa nhà Trần Chu Huyền và nhà Lang Mường Chếnh phát tâm xây dựng. Chùa tọa lạc trên vị trí đẹp “tả thanh long, hữu bạch hổ”, mặt trước nhìn ra sông Âm, hai bên dựa núi, từng được “xếp hạng” một trong ba chùa đẹp nhất nước Nam. Trải qua năm tháng, chùa đã xuống cấp, hư hỏng và mới được trùng tu, tôn tạo lại, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, u tịch thuở xưa.
Với những tiềm năng, lợi thế có sẵn có, trong những năm qua, cùng với nguồn lực của Nhà nước, Lang Chánh đã tích cực kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư, tăng cường công tác xã hội hóa, tạo kinh phí nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, giao tiếp, ứng xử cho những người làm công tác du lịch, trong đó có nhiều bà con người dân tộc làm du lịch cộng đồng. Cùng với đó, khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống, các ngành nghề tiểu thủ công, sản phẩm đặc trưng của huyện… Nhờ đó, hiệu quả thu được từ du lịch cũng như số lượng khách về địa phương đã tăng dần qua từng năm.
Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng do hạn chế về vốn đầu tư, hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, loại hình, sản phẩm du lịch còn đơn điệu… nên những kết quả thu được từ du lịch của Lang Chánh vẫn còn rất hạn chế. Nếu so sánh một cách hình ảnh thì chỉ như “con kiến” so với “con voi”.
Trong bối cảnh như trên, hy vọng Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Lang Chánh – một đề án khả thi và đầy tham vọng, vừa được UBND tỉnh phê duyệt sẽ được triển khai thực hiện đúng lộ trình, tìm được những nhà đầu tư vừa thạo việc, tâm huyết, vừa có năng lực tài chính, đủ khả năng đánh thức “kho vàng” tài nguyên du lịch đang “ngủ quên” trên núi rừng Lang Chánh, từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói” của vùng đất cổ xa xôi này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguồn: Báo xây dựng